Ngửi rác nhiều… thành quen!?

Trần Quang Hòa, nhân viên Công ty bảo hiểm trên phố Nguyễn Xuân Linh thường xuyên uống trà đá, đôi khi là ăn trưa tại vỉa hè dưới chân tòa nhà văn phòng cơ quan tâm sự: Quán nước anh hay ngồi ngay cạnh nơi tập kết của các xe rác thải, nơi luôn có hàng chục xe rác luôn đầy ứ mỗi ngày chờ được thu gom.

“Ngày mới chuyển văn phòng về đây, nhìn tòa cao ốc khang trang mà ngay dưới sảnh nhìn ra bãi rác tôi đã vô cùng dị ứng. Đáng ngạc nhiên hơn khi ngay cạnh đấy là những quán nước vỉa hè bán kèm đồ ăn sáng và trưa. Rất nhiều người ngồi đó hồn nhiên ăn uống mà như không có chuyện gì, bất chấp việc mùi xú uế hay ruồi muỗi lảng vảng chỉ cách họ không quá 10m”, anh Hòa nói.

Cũng theo anh Hòa, thế rồi anh cũng là “nạn nhân” của chính những xe rác ấy một cách… tự nguyện.

2 an uong ben bai rac.jpg
Quán nước vỉa hè (chỗ những chiếc xe máy) chỉ cách điểm tập kết rác thải trên phố Nguyễn Xuân Linh (TP. Hà Nội) vài bước chân. 

“Tòa nhà văn phòng hiện đại ốp kính nhìn sang trọng nhưng khá ngột ngạt và thiếu khí tươi. Do đó, cánh nhân viên thường xuống vỉa hè mỗi sáng trước giờ làm hay giờ nghỉ trưa để uống nước, hút điếu thuốc cho thoáng. Thậm chí, quán nước cũng là nơi cung cấp các suất ăn cho người lỡ bữa. Ban đầu mùi rác nồng nặc khiến tôi phải bịt mũi, nhưng rồi so với việc cả ngày ngồi trên phòng kín thì việc ngửi rác dưới lòng đường cũng dần trở thành… bắt buộc”, anh Hòa ngao ngán.

Điều đáng nói, nhiều điểm trung chuyển rác nằm ngay dưới lòng đường, cạnh trường học, quán ăn, khu dân cư ở Hà Nội không chỉ... gây mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Những tình huống “trái ngang” với những xe rác này cũng khiến chính nhiều người trong cuộc “dở khóc dở cười” và buộc phải chấp nhận “sống chung với rác” theo những cách khó ngờ.

Theo chị Nguyễn Thị Thêu, phụ huynh học sinh tại một trường Tiểu học ở Định Công, quận Hoàng Mai: “Ngay cổng trường bên cạnh các dãy bán hàng ăn sáng là những chiếc xe rác. Dù biết mất vệ sinh và khó đảm bảo an toàn, nhưng do thời gian buổi sáng không có nhiều nên chị buộc phải tiếp tục mua đồ ăn cho con tại khu vực này nhằm đảo bảo thời gian cho con vào lớp mỗi ngày”. Không chỉ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, những chiếc xe rác chắn lối cũng là nguồn cơn của các vụ va chạm giao thông khu vực trước cổng trường.

Thấy mất vệ sinh đấy nhưng… bất lực?

Nhiều người khi đọc đến đây sẽ thắc mắc: “biết bẩn vậy sao còn ngồi đấy mà ăn uống”, “biết không an toàn thế sao không tự chuẩn bị bữa sáng cho con mà phải phó mặc cho quán ăn vỉa hè trước công trường”… Vâng, rất nhiều ý kiến đưa ra đều đúng, nhưng nó sẽ chỉ đúng và toàn diện hơn khi đặt vào hoàn cảnh của nhau.

Quay lại trường hợp anh Hòa, cơm căng tin trong tòa nhà anh làm việc vừa đắt vừa không ngon. “Có hôm cơm sống, nước canh thì chả khác thời sinh viên khiến anh không nuốt nổi. Cả ngày ngồi trong tòa nhà kính bức bí, muốn xuống dưới đường hít chút gió trời dù mưa nắng và việc phải làm đầy chiếc bụng của mình thì những bát mỳ tôm úp vội hay quả trứng luộc với cốc nước vỉa hè dưới chân tòa nhà là lựa chọn bắt buộc. Bởi thời gian nghỉ trưa không nhiều, nếu đi ra ngoài ăn thì không có thời gian và chi phí cũng không hề rẻ khiến tôi đành chấp nhận”, anh Hòa thẳng thắn.

Còn với chị Thêu, câu chuyện xe rác những tưởng là vấn đề môi trường nhưng nó còn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trẻ con thích ăn xúc xích, đôi khi cái bánh mỳ kẹp trứng – những thứ đồ ăn không khó làm ở nhà. Tuy nhiên, trẻ con khi ngủ dậy thường không muốn ăn sáng ngay, các cháu cũng không thể dậy sớm được như người lớn. Khi đến cổng trường các cháu mới có cảm giác thèm ăn và việc mua tạm đồ ăn vỉa hè (do nhà trường không cho học sinh mang đồ ăn vào lớp-NV) là cách phụ huynh phó thác cho may rủi. “Có hôm tôi làm đồ ăn sáng cho con rất ngon, nhưng con bảo giờ con thấy no chẳng muốn ăn. Thế mà đến cổng trường thì lại đòi "mẹ mua cho con cái xúc xích" khiến tôi vừa giận vừa thương”, chị Thêu tâm sự.

Sẽ thật khó thay đổi thói quen ăn uống vỉa hè của một bộ phận không nhỏ người dân, khi mà điều kiện về thời gian, chi phí hay nhận thức chưa được cải thiện. Trong khi đó, việc nâng cấp chất lượng vệ sinh các quán ăn vỉa hè cũng là cả quá trình dài.  Về lâu dài, việc quy hoạch và xây dựng các trạm trung chuyển rác trong nội thành các đô thị lớn nói chung và tại Hà Nội nói riêng sẽ cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bởi, sẽ chẳng thể nào nói “xanh – sạch -đẹp” khi những xe rác vẫn chình ình trên đường phố mỗi ngày như hiện nay trên rất nhiều tuyến phố ngay trung tâm của Thủ đô.

Bích Thủy và nhóm PV, BTV