Chỉ trong vòng 2 tháng 6 và 7 năm 2023, tỉnh Tây Ninh đã ra 3 quyết định xử phạt 3 doanh nghiệp với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng do có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định các doanh nghiệp này hoạt động sản xuất nhưng không vận hành công trình xử lý chất thải; đường ống lắp đặt không nằm trong giấy phép xả thải…  Đồng thời UBND tỉnh còn áp dụng hình thức phạt bổ sung đối với hai công ty đó là tước quyền sử dụng giấy phép môi trường 3 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt hành chính có hiệu lực thi hành.

anh bai 25 chuan.jpg
Tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.

UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất; rất nhiều cơ sở sản xuất, gia công, cũng như các cơ sở sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; gần 100 nhà máy chế biến và sản xuất; hàng chục cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… đang hoạt động là nguy cơ phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm về môi trường, tại Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2023-2025 sẽ chủ động phòng ngừa, kiểm soát được các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

Để thực hiện tốt “4 tại chỗ” và “ba sẵn sàng” trong việc ứng phó sự cố chất thải, Tây Ninh đã trang bị lực lượng và trang, thiết bị  phục vụ gồm: 31 xe chỉ huy, 3 máy ảnh, 9 máy định vị, 15 hệ thống truyền hình hội nghị, 17 xe chữa cháy, 9 xe bồn tiếp nước, 2 xe bơm; 2 xe cứu nạn, cứu hộ; 1 xe thang, 17 máy bơm chữa cháy, 50 bộ mặt nạ phòng độc cách ly, 12 máy cắt bê tông, 3 thiết bị phá vỡ thủy lực.

Các phương tiện đường bộ có 3 xe ô tô 40 chỗ, 20 xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, 27 xe ô tô tải, 22 xe ô tô bán tải, 1 xe đào đất, 1 xe đầu kéo, 1 xe ủi; phương tiện trên sông có 1 xuồng  ST 750, 3 chiếc xuồng  ST 660, 7 xuồng ST 450, 5 xuồng đệm khí, 24 xuồng máy các loại, 2 xuồng nhôm, 13 xuồng loại khác, 30 ca nô các loại, 11 rơ móc kéo cano; hàng nghìn phao cứu sinh; hàng trăm cuốc, xẻng, máy bộ đàm; hàng nghìn chiếc mặt nạ phòng, chống hóa chất, độc xạ...

Và mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải cấp tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức, triển khai xây dựng kịch bản ứng phó chặt chẽ, phối hợp với các lực lượng để tổ chức diễn tập ứng phó sự cố chất thải;  đưa ra các tình huống vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “ba sẵn sàng” chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.

Đồng thời tỉnh giao cho các sở, ban ngành, địa phương tổ chức huy động lực lượng thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả khi có sự cố về chất thải; hướng dẫn, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trong phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó, khắc phục sự cố chất thải và bảo vệ môi trường; điều động lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các đơn vị có liên quan, sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh yêu cầu chủ trì, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện theo quy định; tổ chức quản lý chất thải trên địa bàn quản lý.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; chủ cơ sở có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường; định kỳ 2 năm/lần tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV