- Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết qua trao đổi, anh hùng Phạm Tuân có mong muốn QH thảo luận kỹ dự án sân bay Long Thành.

Trong phiên thảo luận về thực hiện ngân sách nhà nước chiều nay, ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cân nhắc kỹ khi quyết định chi cho các "siêu dự án" khi tình hình nợ công còn đáng lo ngại, ít nhất về ba vấn đề: con số thực nợ công hiện nay, hiệu quả sử dụng nợ công và tiền đâu để trả nợ.

{keywords}
ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Thăng

Một trong những siêu dự án đó là sân bay quốc tế Long Thành mà QH đã thảo luận tại kỳ này: “Tôi thấy QH cần cân nhắc kỹ. Sáng nay tôi tình cờ gặp anh hùng Phạm Tuân. Qua trao đổi, anh hùng Phạm Tuân có mong muốn QH thảo luận kỹ dự án này, vì khả năng tăng nợ công rất rõ nhưng hiệu quả mới là dự tính”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, dự án trên có dự tính đến công suất 100 triệu hành khách/năm, nhưng đó là tính cả hành khách trung chuyển. "Nhưng còn những sân bay quanh chúng ta, họ có thương hiệu, giá rẻ, dịch vụ tốt thì liệu hành khách có chọn Long Thành không?”, ĐB Thái Nguyên đặt vấn đề.

Ông cũng băn khoăn những khoản như nợ cấp bù lãi suất, nợ quỹ hoàn thuế, nợ BHXH… nếu tính đủ thì số nợ công sẽ tăng lên bao nhiêu? Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đề nghị coi việc kiểm toán nợ công là bắt buộc.

Hiệu quả sử dụng nợ công cũng đáng ngại, như ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) chỉ ra: “Nợ công lo nhất là khoản vay sử dụng không hiệu quả, thất thoát. Chúng ta phải làm sao để người dân tin rằng vay về là để sử dụng, đầu tư cho có hiệu quả”.

Nhưng theo ĐB, việc gì cần chi vẫn phải chi. Như Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị giữ đúng lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức.

"Nếu không tăng lương có thể sẽ tạo ra tâm lý nặng nề trong cán bộ, công chức, người lao động. Hơn nữa sẽ có ý kiến cho rằng trong khi ngân sách khó khăn mà vẫn đảm bảo các khoản chi khác, riêng đối với lương thì không đảm bảo, phải chăng chưa coi trọng nguồn nhân lực?", bà Quyết Tâm phân tích.

ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) thì thấy điều tra tham nhũng cũng cần được tăng chi: Việc không có kinh phí cho công tác giám định kế toán, tài chính, xây dựng… đang làm ảnh hưởng tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, làm số tiền tham nhũng dễ "bốc hơi", thậm chí làm cả vụ án “bốc hơi”.

"Có lẽ nên bổ sung 50 - 70 tỷ đồng từ ngân sách cho công tác giám đnh. Hoặc có thể lấy từ nguồn thu hồi tài sản tham nhũng, dù mới thu hồi khoảng 10% nhưng cũng ngót nghét 1.000 tỷ đồng, để chi cho công tác giám định, tìm và củng cố chứng cứ chứng minh tham nhũng", ông Nhã đề xuất.

Chung Hoàng