Theo số liệu chia sẻ từ Trung tâm Quốc gia Bảo trợ Trẻ em bị Bóc lột và Mất tích (NCMEC) thuộc Quốc hội Mỹ, số lượng hình ảnh liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em trong năm 2020 đã tăng 31%.
Yiota Souras, cố vấn trưởng tại NCMEC, cho biết con số này lại tiếp tục tăng từ 16 triệu vào năm 2020 lên 21 triệu vào năm 2021.
Số lượng hình ảnh trẻ em bị lạm dụng trên mạng xã hội khiến thế giới lo ngại. Ảnh: Getty. |
Vào năm 2019, các báo cáo của NCMEC ghi nhận khoảng 99% dữ liệu về lạm dụng tình dục trẻ em đã xuất hiện trên nền tảng Facebook. Những dữ liệu này được được lấy từ CyberTipLine, hệ thống quốc gia chuyên thu thập các báo cáo về hình ảnh, video lạm dụng trẻ em.
Dù chưa có báo cáo chi tiết trong năm 2020, Facebook vẫn cho biết họ đã phát hiện 13 triệu hình ảnh trên Facebook và Instagram, tính riêng từ tháng 7 đến tháng 9. Con số đáng báo động này cho thấy vấn nạn xâm hại trẻ em vẫn đang lan rộng và ngày càng tồi tệ hơn.
Bên cạnh những báo cáo từ CyberTipline, NCMEC còn nhận được sự hỗ trợ từ phía cộng đồng mạng. Nhiều tập đoàn công nghệ cũng đồng ý chung tay để chống lại nạn lạm dụng trẻ em trên nền tảng của họ.
Sau khi nhận được báo cáo, NCMEC đã liên lạc với các cơ quan pháp lý có liên quan để truy lùng những kẻ đã tạo và phát tán nội dung.
Trẻ em cần được trang bị kiến thức để tránh thành nạn nhân của những vụ lợi dụng. Ảnh: Irish Times. |
Báo cáo được công bố vào tháng 2/2020 cho thấy Google cũng là nơi xuất hiện rất nhiều nội dung lạm dụng trẻ em, với 450.000 trường hợp.
Trong một tuyên bố với Business Insider, đại diện phát ngôn của Google nói rằng công ty họ đã sử dụng "công nghệ tiên tiến, được hỗ trợ bởi các chuyên gia khảo sát người dùng, để phát hiện, xóa và báo cáo nội dung tương tự cho chính quyền".
Về phía Facebook, họ cho biết đã sử dụng công nghệ quét nền tảng, đồng thời, chủ động giám sát để tìm hình ảnh mới khi nó được đăng tải. Qua đó có thể tìm và xóa những nội dung xâm hại trẻ em.
"Nội dung lạm dụng tình dục hoặc gây nguy hiểm cho trẻ em không được phép xuất hiện trên nền tảng của chúng tôi. Chúng tôi đã sử dụng những công nghệ hàng đầu vào quá trình truy quét. Bên cạnh đó, đội bảo mật an ninh với hơn 35.000 nhân viên luôn túc trực để đảm bảo cho nền tảng được an toàn", đại diện phát ngôn của Facebook khẳng định.
Hiện, Facebook cho biết 99% nội dung xâm hại trẻ em mà họ tìm thấy đã được xóa khỏi nền tảng. Công ty cũng thường xuyên báo cáo thông tin đến các tổ chức, cơ quan bảo vệ trẻ em, gồm Bộ chỉ huy Bảo vệ Trẻ em bị Lạm dụng Trực tuyến (CEOP) của Anh và NCMEC.
Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn không truy quét được hết phần lớn nội dung được đăng tải bằng những thủ đoạn lách luật tinh vi. Số lượng lớn hình ảnh có tính chất nhạy cảm, bạo lực đã cho thấy quy trình kiểm duyệt của những công ty công nghệ đang đối mặt nhiều thử thách.
Livestream bạo hành trẻ em gia tăng trong mùa dịch
Bên cạnh đại dịch Covid-19, xu hướng livestream bùng nổ đã khiến vấn nạn bạo hành trẻ em trước webcam gia tăng, Souras nhận định.
Tháng 8/2020, trong một chia sẻ với kênh truyền hình Sky News của Anh, Facebook cho biết trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc xác định và xóa những nội dung xâm hại trẻ em đã gặp nhiều khó khăn đáng kể.
Trong mùa dịch, trẻ có thời gian lên mạng nhiều hơn. Chúng được tiếp xúc quá sớm với những thứ nằm ngoài sự kiểm soát của gia đình. Bên cạnh việc hưởng lợi từ những dịch vụ công nghệ thông tin, trẻ dễ dàng trở thành nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục, bạo hành...
Trẻ em bị bạo hành trên sóng livestream. Ảnh: Narcity. |
Souras cho rằng trẻ em thường bị xâm hại bởi những người gần gũi. Thêm vào đó, luật giãn cách xã hội đã khiến trẻ khó cầu cứu người xung quanh khi bị xâm hại.
"Sau khi phân tích báo cáo, chúng tôi nhận thấy những đứa trẻ bị lạm dụng thường có mối quan hệ thân thiết với thủ phạm, người chúng tin tưởng nhất. Đó có thể là người trong gia đình hoặc người trông trẻ... Họ vừa là người bảo hộ, vừa là kẻ bạo hành", Souras chia sẻ.
"Nhiều người thậm chí còn trả tiền để xem những nội dung đồi trụy về trẻ em. Việc này thường tập trung ở Philippines và các quốc gia Đông Nam Á. Họ sẽ phải trả giá cho hành vi của mình", cô khẳng định thêm.
Hiện tại, Mỹ không yêu cầu các công ty công nghệ phải có trách nhiệm kiểm soát những nội dung lạm dụng tình dục trẻ em trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, khi tìm thấy những tài liệu liên quan, họ có nghĩa vụ phải báo cáo cho NCMEC và xóa chúng.
Nhiều người vẫn nghĩ dark web là nơi phần lớn nội dung xâm hại trẻ em được đăng tải. Nhưng báo cáo từ NCMEC cho thấy các nền tảng phổ biến, như Facebook và Google, mới là "điểm dừng chân" những kẻ bạo hành tìm đến.
Trước tình trạng xâm hại trẻ em đang gia tăng kỷ lục. Năm 2020, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã giới thiệu với Quốc hội Mỹ dự luật có tên EARN IT, đề xuất về việc tước bỏ bảo hiểm pháp lý của các công ty nếu phát hiện họ đang lưu trữ nội dung lạm dụng trẻ em.
Souras cho rằng Mỹ cần siết chặt luật pháp hơn để buộc những nền tảng chủ động trong việc truy quét thông tin.
Dự luật này đã bị một số người chỉ trích, họ cho rằng đây là nỗ lực của chính quyền Trump nhằm chống lại các nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, nó lại nhận được sự ủng hộ từ cả 2 phía Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa.
Toby Tyler, đại diện phát ngôn của văn phòng Lindsey Graham nói rằng dự luật sẽ được giới thiệu khi Quốc hội mới của Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1/2021.
Theo Zing/Business Insider
TikTok thay đổi quyền riêng tư với nhóm người dùng trẻ em
TikTok vừa giới thiệu một loạt cài đặt quyền riêng tư mới, hạn chế vài tính năng nhất định dành cho nhóm người dùng trẻ em, vị thành niên.