Nhưng giữa đời sống còn nhiều sự bất an, và vô cảm, thì câu chuyện của hai cha con họ vẫn thắp lên ngọn lửa ấm áp. Đó là sự tử tế vẫn không thiếu trong đời này. Chính vì có sự tử tế mà “anh Tí hon”- đứa trẻ bất hạnh vẫn có thể gặp may mắn, sống an lành trong cõi đời.

Câu chuyện này quả thật đã ám ảnh người viết bài. Đó là số phận đặc biệt của em bé Đinh Văn K’Rể, người dân tộc H’rê (bản Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà- Quảng Ngãi), tuy đã chín tuổi nhưng em chỉ cao 56 cm và nặng chưa tới 04 kg. Từ lâu, K’Rể được biết đến với tên gọi “cậu bé Tí hon”.

Bản Gò Da của người H’rê hầu hết sống bằng nương rẫy, nên đời sống bà con còn nghèo khó. Bản lại rất biệt lập, đường xá đi lại khó khăn. Ở đây, muốn đến được trung tâm xã Sơn Ba, người ta phải đi mất hơn 03 giờ đồng hồ chạy xe máy mới tới nơi. Còn nếu đi xe đạp hay đi bộ thì… khỏi nói. Một đặc điểm nữa của người dân ở đây, dù đã được tuyên truyền vận động, nhưng từ xa xưa, có những gia đình, dòng họ vẫn giữ tập quán kết hôn cận huyết. Ngay ông nội và ông ngoại của K’Rể cũng là anh em cùng huyết thống.

 

{keywords}
"Anh Tí hon"- K'Rể (Ảnh VietNamNet)

Gia đình K’Rể rất nghèo. K’Rể là đứa con trai thứ hai của gia đình, bố em tên là Đinh Văn An. Anh trai của K’Rể rất bình thường, khỏe mạnh. Khi K’Rể được sinh ra, cả nhà sững sờ. Cha em, anh Đinh Văn An kể: Con tôi chỉ bé bằng con chuột, thấy quá lạ và cho rằng đây là một “điềm xấu” cho làng, nhiều người đã sợ và bảo vợ chồng tôi mang ra bìa rừng để chôn. Nhưng thương con quá, chúng tôi cố gắng thuyết phục dân làng cho giữ lại cháu! (Nhân Dân, ngày 07/5).

K’Rể là một đứa trẻ đặc biệt, nên mọi thứ ở em cũng rất đặc biệt. Không như mọi bé em sơ sinh bình thường, lúc chào đời em khóc rất ít, lớn cũng rất chậm. Nhưng cuộc sống của một gia đình người dân tộc nghèo khó, mọi việc chỉ trông vào nương rẫy, nên cho dù là “dị biệt” thì cha mẹ của K’Rể cũng vẫn ngày ngày phải lên nương, làm rẫy, mọi việc chăm sóc đứa con tội nghiệp đành trông vào cả đứa con trai lớn, cũng đang tuổi ăn tuổi học tuổi chơi.

Chính vì thế, có những lần trở về nhà, thấy Đinh Văn Siêng khóc nức nở: Em K’Rể biến mất rồi! Vợ chồng anh Đinh Văn An hốt hoảng tìm khắp. Cả nhà thất kinh, khi phát hiện chiếc nồi nấu cơm lật úp giữa bếp, cứ di chuyển qua lại. Anh An nghi hoặc vội nhấc ngược, thấy K’Rể trong đó. Hú vía! Vì đói, K’Rể đi tìm cơm ăn, không may bị chiếc nồi úp chụp lại. Nói thật, nếu chậm trễ một chút, không hiểu việc gì sẽ xảy ra.

Cho dù được cha mẹ, được anh trai thương xót, đùm bọc, nhưng sự nghèo đói vẫn ám ảnh và phủ lên đời sống của họ không ít những buồn thương. Và vì thế chắc gì K’Rể đã được có những niềm vui, dù cực kỳ bé nhỏ như của mọi đứa trẻ thơ, nếu không gặp được thầy giáo của mình- Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi)? Để rồi từ cuộc gặp định mệnh đó, thầy Đặng Văn Cương được báo chí gọi là “người cha cổ tích”.

Thầy và trò Tí hon gặp nhau trong một chuyến thầy đi vận động các em nhỏ đến lớp. Ngành giáo dục tuy trải qua nhiều cuộc cải cách hay đổi mới, nhưng việc vận động học sinh đến lớp ở các vùng sâu vùng xa, nghe tưởng như chuyện của những năm tháng kháng chiến xa xưa vẫn là “chuyện thường ngày ở xã”. Không biết thầy hiệu trưởng đã nghĩ suy gì trước hình hài lạ lẫm và số phận không may của Tí hon, chỉ biết thầy đã thuyết phục cha mẹ em cho đón em về trường, ở nội trú, để có điều kiện hơn chăm sóc em hòa nhập với các bạn cùng trang lứa, đỡ thiệt thòi. Bởi hình hài “dị biệt” của em đã là một thiệt thòi, một vật cản lớn của cuộc sống giữa cộng đồng.

 

{keywords}
Hiệu trưởng Đặng Văn Cương- "người cha cổ tích" và đứa con nuôi -anh Tí hon (ảnh VietNamNet)

Mà Trường tiểu học Sơn Ba có hơn 400 học sinh của thầy cũng còn rất khó khăn. Đây là xã xa xôi heo hút nhất của huyện Sơn Hà. Để có thể tổ chức cho học sinh ở nội trú (gần 40 em), cải thiện dinh dưỡng cho trò, hiệu trưởng Đặng Văn Cương đã cùng với các đồng nghiệp của mình tổ chức trồng rau, nuôi gà, nuôi heo theo mô hình nông trại trên một diện tích 500 m2, và vận động các nhà hảo tâm đóng góp.

Vừa làm quản lý chỉ đạo chuyên môn, tổ chức đời sống nội trú cho những bé em xa nhà, lại vừa phải chăm sóc một “đứa con” không cùng máu mủ. Đứa con đó không may mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là “người lùn, đầu chim”- một hội chứng cực kỳ hiếm gặp trên thế giới, mà theo các chuyên gia, ở Việt Nam mới chỉ phát hiện 08 trường hợp và hiện chưa có thuốc chữa. Đây được coi là bệnh di truyền gene lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18.

Hiệu trưởng Đặng Văn Cương trong chuyến đi ra Hà Nội dự lễ vinh danh của ngành giáo dục, đã đưa K’Rể đi cùng, để các thầy thuốc thăm khám, mới biết sự thật đau xót...

Nhưng trước đó, để chăm sóc một đứa trẻ đặc biệt như Tí hon, từ ăn mặc, tắm rửa, cho đến đi vệ sinh…, đều đòi hỏi sự nỗ lực, tận tụy, tỷ mẩn của người thầy- người cha nuôi Đặng Văn Cương. Bởi mọi vật dụng của cậu bé có 3,5 kg, chỉ hơn cân nặng của một đứa trẻ sơ sinh đều khác thường. Chiếc ghế học sinh tiểu học cũng được thửa riêng- một cái đôn gỗ cho Tí hon ngồi. Đến quần áo, giày dép, thầy Đặng Văn Cương phải xuống thành phố Quảng Ngãi để đặt làm riêng. Tí hon được thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô giáo chỉ bảo từng chữ cái viết trên chiếc bảng con. Thỉnh thoảng được thầy khen- “ga lem” (đẹp lắm), gương mặt nhỏ bé như ngời sáng lên.

Có những ngày mưa gió, đường xa, cha mẹ K’Rể không thể lên trường đón, thầy lại đưa đứa con nuôi đặc biệt về nhà. Các con của thầy cũng gọi K’Rể bằng biệt danh dễ thương như trong chuyện cổ tích- anh Tí hon!

Cứ thế, với tình thương của người cha, sự chỉ bảo của người thầy, anh Tí hon tiến bộ từng chút từng chút. Khởi đầu, mọi việc đều phải chờ thầy Cương chăm sóc, giờ sau những tháng ngày ở trường nội trú, Tí hon có thể tự đi vệ sinh một mình, đã biết “ạ”, biết bắt tay và biết vẫy tay tạm biệt.

Đương nhiên, có những việc thầy có thể làm được và có những việc lực bất tòng tâm một cách đau xót. Tỷ như khi thầy Đặng Văn Cương kể rằng, Tí hon rất thích món bánh xèo và đá banh. Bánh xèo thì dễ rồi, thầy có thể chạy xe đi mua được. Nhưng đá banh thì bàn chân Tí hon chạy nhanh là ngã chỏng quèo. Nhìn thấy Tí hon cứ đứng xem rồi mon men lại gần sờ lên đôi giày đá bóng của bạn, thấy thương quá, thầy đi hỏi các tiệm nhưng chẳng có nơi nào bán giày kiểu đá banh cho chân cỡ… trẻ sơ sinh, nên đành chịu (VietNamNet, ngày 16/3).

Chưa kể những khi trái gió trở trời, mà với thể chất của một đứa trẻ mang trong mình căn bệnh đặc biệt, đòi hỏi phải chăm sóc chu đáo, không biết Tí hon sẽ vượt qua thử thách khắc nghiệt của căn bệnh hiếm gặp này ra sao? Chỉ đành tự an ủi, trong sự bất hạnh, rủi ro của số phận, Tí hon vẫn cảm nhận được thế nào là lòng nhân ái lớn lao của một người thầy- từ xa lạ bỗng trở nên ruột thịt. Đó có thể coi là hạnh phúc làm ấm lòng của một đứa trẻ bất hạnh chăng?

Người viết rất chú ý đến chi tiết mà thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương kể với một nhà báo: K'Rể là đứa trẻ hiếu động và tình cảm. Tuy không nói được nhưng cảm xúc của em cũng giống như bao đứa trẻ khác, ai thương em thì em thương lại thôi. Thầy nói khi K'Rể hôn thầy vào má.

Chuyện của anh Tí hon và “người cha cổ tích” chỉ có thế. Đơn giản như cây lá, núi rừng Sơn Ba, Sơn Hà – Quảng Ngãi.

Nhưng giữa đời sống còn nhiều sự bất an, và vô cảm, thì câu chuyện của hai cha con họ vẫn thắp lên ngọn lửa ấm áp. Đó là sự tử tế vẫn không thiếu trong đời này. Chính vì có sự tử tế mà “anh Tí hon”- đứa trẻ bất hạnh vẫn có thể gặp may mắn, sống an lành trong cõi đời.

Kỳ Duyên   

.