- Năm năm liên tiếp kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên phải ăn Tết trên đất Mỹ. Ánh Viên tâm sự, cô đã quen dần cuộc sống xa nhà và luôn xác định khi đã chọn con đường VĐV thể thao chuyên nghiệp thì phải biết chấp nhận hy sinh.

Nhớ bánh tét của nội

Luôn thể hiện một hình ảnh kiên cường trên làn đua xanh, nhưng khi trở về với gia đình, với những người thân, bạn bè, Ánh Viên lại là một cô gái nhút nhát, dễ thương và hết mực yêu thương ông bà, bố mẹ. Điều mà Ánh Viên cảm thấy có lỗi nhất, chính là cô thường xuyên vắng nhà vì bận tập huấn tận nước Mỹ. Thậm chí có những năm 365 ngày, Ánh Viên đi xa tới 364 ngày, chỉ được ghé qua nhà ôm nội, ôm mẹ vào lòng mà khóc, rồi lại lên đường.

Cuối năm 2015, đang tập huấn tại Mỹ, Ánh Viên được nghỉ phép để về Việt Nam thi học kỳ 1 của chương trình văn hóa lớp 12. Sau 4 năm tập huấn trên đất Mỹ, đến nay, Ánh Viên đã được 20 trường Đại học mời… nhận học bổng toàn phần để vừa luyện tập thi đấu tại CLB của nhà trường vừa theo học chương trình đào tạo cử nhân một trong các chuyên ngành quản lý, huấn luyện, kinh doanh thể thao. Tuy nhiên, Ánh Viên cho biết cô sẽ tốt nghiệp lớp 12 tại Việt Nam trước rồi sau đó sẽ tính tiếp. (xem thêm TẠI ĐÂY)

Ở kỳ thi vừa rồi, Ánh Viên khoe đã đạt được những điểm số rất cao, chẳng hạn như môn Vật Lý được 8,8 điểm. 

{keywords}
Ánh Viên thường xuyên xa gia đình dịp Tết

Đợt về nước vừa qua cũng là khoảng thời gian quý giá để Ánh Viên được ở bên gia đình. Đã 5 năm qua, VĐV sinh năm 1996 liên tục xa nhà, ngay cả những ngày Tết.

Bà Võ Thị Bảy (bà nội Ánh Viên) đã rất vui và hồi hộp khi biết tin Ánh Viên được nghỉ phép về Việt Nam. Bà Bảy kể, với mọi đối thủ, Viên rất đáng gờm, nhưng khi rời đường đua xanh, Viên là một cô bé rất nhút nhát và trẻ con. Vì thế, mỗi khi về nhà là con bé lại khóc, khóc vì được gặp bà và bố mẹ, khóc vì chỉ được nghỉ ít ngày rồi trở lại Mỹ.

Được về nhà Ánh Viên vui lắm. Ánh Viên ở nhà còn có tên là Huyền Diệu, Viên thích ăn vịt kho gừng, măng cụt, và đặc biệt chẳng sợ con gì. Viên sống rất tình cảm và vẫn còn con nít lắm. Mỗi khi được quà, được bánh, cô đều cười tít mắt. Những ngày ở bên gia đình, Ánh Viên được cảm nhận không khí vui chẳng kém gì Tết. Cô gái tuổi 19 cho biết mình đã nhận được khá nhiều tiền lì xì và cô cũng không quên lì xì lại cho bà, bố mẹ, các anh chị em trong gia đình.

Ánh Viên kể, cô thích được nhìn nội gói bánh tét, rồi ăn thật no bụng và mang thật nhiều sang Mỹ để ăn dần dịp Tết. Đó vừa là kỷ niệm, vừa là món quà quê hương giúp cho Viên có thêm động lực để tập luyện nơi xứ người

Xuống nước để quên Tết

Lần đầu tiên xa gia đình cách đây 5 năm, cô gái quê Cần Thơ khóc suốt đêm vì nhớ bố mẹ, thèm không khí Tết ở Việt Nam. Cái cảm giác thèm Tết ấy đã đã gần như không còn, nhưng Ánh Viên vẫn cảm thấy có chút buồn, chạnh lòng mỗi khi mở máy tính ra xem ở Việt Nam người dân được đón Tết, được quây quần bên mâm cỗ cúng giao thừa, hay đơn giản chỉ là hình ảnh của cành đào, chậu mai.

{keywords}

Ánh Viên vẫn xuống nước tập luyện ngày mùng 1 Tết

“Không nhớ nhà, nhớ Tết vì mình tập luyện cả ngày, tối lại lăn ra ngủ. Chỉ lúc nào rảnh mở máy tính ra thấy mọi người ở Việt Nam đi mua sắm Tết, đi chơi Tết mới thấy nao nao, nhưng cái cảm giác đó cũng trôi qua nhanh thôi”, Ánh Viên tâm sự.

Trở lại Mỹ tập huấn, cô gái người Cần Thơ đã bỏ ra khỏi trí óc của mình những nỗi nhớ nhà, cảm giác thèm hương vị Tết.

“Lần đầu tiên ăn Tết ở nước ngoài tôi đã khóc cả đêm. Khi đó, tôi cảm thấy nhớ nhà, nhớ ba mẹ, ông bà và thèm được đón giao thừa cùng gia đình. Tuy nhiên, bây giờ thì không có cảm giác đó nữa vì đã quen rồi, thậm chí có những năm chẳng nhớ Tết là vào ngày nào vì toàn phải tập luyện ở trên núi, nơi chẳng có người Việt Nam, chỉ có thầy và trò”, Ánh Viên chia sẻ.

Dù không được đón Tết Việt, nhưng ở nơi đất khách quê người, hai thầy trò Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên vẫn tự tìm cho mình niềm vui ngày Tết đến xuân về. Ông Tuấn nấu những món ăn Việt Nam cho Ánh Viên ăn như cá kho, thịt kho, canh chua, rau muống xào… Nói về những ngày Tết, ông Tuấn kể lại: “Thầy trò chúng tôi không biết đến Tết suốt nhiều năm nay và bây giờ Ánh Viên cũng thấy bình thường. Tất nhiên, tôi vẫn thường nấu những món mà em thích. Hai thầy trò cũng gọi điện về chúc Tết gia đình”.

Trong đợt tập huấn này, Ánh Viên chủ yếu phải “nhồi” thể lực để chuẩn bị cho Olympic 2016 – giải đấu mà cô đã 3 vé chính thức bằng cửa chính. Hai thầy trò mỗi ngày tập luyện hơn chục giờ đồng hồ mỗi ngày. Theo lịch tập luyện, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Ánh Viên vẫn phải xuống nước tập từ sáng tới chiều. Đó cũng là cách để “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam quên đi cái Tết cách nửa vòng trái đất.

Bằng Lăng