Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đưa ra giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô khi Việt Nam giảm thuế do cam kết hội nhập. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu biện pháp tự vệ nếu xe nhập tăng đột biến, ảnh hưởng sản xuất trong nước.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến các bộ: Công Thương, Tài Chính, Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan khác để đánh giá toàn diện thị trường ô tô, có chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ô tô và liên doanh ô tô trong nước thời gian tới.
Bên cạnh đó, thị trường ô tô Việt Nam đang có nhiều dòng xe ô tô của nước ngoài đổ bộ nhiều hơn, nhiều dòng xe giá rẻ, nguy cơ làm ảnh hưởng đến thị trường và nền sản xuất ô tô non trẻ trong nước.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Các Bộ, ban ngành liên quan nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...".
Trước thời điểm 2018 và khi thị trường ô tô có biến động, Chính phủ đã đưa ra thông điệp mới cho quản lý, phát triển ngành ô tô, thị trường ô tô |
Đánh giá của Chính phủ cho thấy, dù ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam có nhiều thay đổi nhưng ngành này đang đối diện với nhiều khó khăn lớn. Dự báo Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ô tô hóa trong thời gian tới, đây là cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Thời điểm năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam bằng 0%, những khó khăn đặt ra ngày càng lớn cho sản xuất xe hơi tại Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, đặc biệt đánh giá cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về 0%).
Trên cơ sở đó, "Bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tàu", Phó Thủ tướng nêu.
Về giải pháp chống gian lận thương mại xe nhập khẩu nguyên chiếc và chính sách thuế đối với xe cũ. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế xe nhập khẩu, xuất xứ xe nguyên chiếc (chủ yếu từ ASEAN) nhằm chống gian lận thương mại. Nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Đối với ô tô cũ đã qua sử dụng nhập khẩu kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp chính sách, không để lợi dụng, gian lận thương mại, không để xe ô tô kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam tăng rất nhanh so với cùng kỳ năm trước. Thống kê của Tổng cục Hải quan tính đến hết tháng 2/2017 cho thấy, cả nước nhập hơn 15.275 xe nguyên chiếc, tăng hơn 4.000 so với cùng kỳ năm 2016, trong đó hơn 60% là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống.
Đáng chú ý, mức giá xe nhập về Việt Nam tháng 2/2017 chỉ đạt trung bình 450 triệu đồng/chiếc, mức giá được xem là thấp, cạnh tranh trực tiếp với giá xe lắp ráp của nhiều hãng liên doanh ô tô trong nước. Điều này đã và đang xuất hiện 2 thị trường xe hơi là xe nhập, xe lắp ráp, ganh đua về giá rất mạnh.
Đáng nói, các dòng xe nhập khẩu về Việt Nam hiện ở mức giá khá rẻ, đặc biệt lượng xe nhập tăng chủ yếu thuộc về các dòng xe xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan với giá khai báo thông quan Hải quan (chưa bao gồm thuế, phí). Xe Ấn Độ chỉ có mức giá là 84 triệu đồng/chiếc; xe Indonesia và xe Thái Lan ở ngưỡng 400-430 triệu đồng/chiếc (dù năm 2017 thuế nhập khẩu xe ASEAN vẫn là 30%).
Cơ quan Hải quan cho hay, thời gian tới sẽ kiểm tra, xác định lại giá trị khai báo hải quan của doanh nghiệp đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu, bao gồm cả ô tô Ấn Độ nhập khẩu có giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, lũng đoạn thị trường.
(Theo Dân trí)