Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, khoảng 60% học sinh sẽ vào các trường THPT công lập, 21% sẽ vào các trường THPT tư thục, 10% vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp -giáo dục thường xuyên và khoảng 9% sẽ học nghề.

Cô Ngọc Phương (giáo viên dạy Văn của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) cho hay, số học sinh xét tốt nghiệp THCS của toàn thành phố dự kiến tăng so với năm ngoái ắt hẳn sẽ gây lo âu nhất định cho thí sinh và phụ huynh.

“Thêm một bất lợi là gần như cả năm học này học sinh phải học online, đồng thời đa số các em cũng bị ảnh hưởng về tâm lí và sức khoẻ do tình hình dịch bệnh kéo dài nên chất lượng học tập có thể ít nhiều không như ý”, cô Phương nhìn nhận.

Tuy nhiên, cô Phương cho rằng các học sinh cũng cần lạc quan bởi bù lại năm nay các em cũng có những lợi thế.

“Như việc học online duy trì khá lâu dài từ năm ngoái khiến giai đoạn này các em phần nào cũng đã quen nếp học mới và tự cân đối việc học, khắc phục khó khăn. Ngành giáo dục cũng rất linh hoạt trong việc giảm tải nhiều nội dung học tập, giảm tải nội dung trong đề thi để phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, mùa thi năm nay, các em cũng không phải thi môn thứ 4 nên có thể yên tâm tập trung vào các mũi nhọn”, cô Phương phân tích.

Cô Phương cho rằng, để có kết quả tốt, các học sinh cần lưu ý luôn nâng cao ý thức giữ gìn sức khoẻ và phòng dịch để đảm bảo tinh thần, thể chất tốt nhất cho giai đoạn ôn tập và thi. Cùng đó, cần lập kế hoạch ôn tập hợp lý, xác định rõ mục tiêu, lộ trình cho từng môn.

“Hãy luôn nâng cao ý thức học online cũng như offline, tự giác là vấn đề tiên quyết. Học sinh nên rèn thái độ học tập trung, tương tác tích cực với thầy cô để giải quyết các thắc mắc. Lập các nhóm học tập nhỏ để cùng nhau ôn tập là một phương án hiệu quả”.

“Xu hướng đề thi năm nay có lẽ là bám sát cơ bản, vừa sức, vì vậy việc ôn tập của các con càng cần nghiêm túc, chắc chắn, bù đắp hiệu quả các lỗ hổng hiện có”, cô Phương nói và cho rằng thời gian còn lại khoảng 3 tháng là đủ để các học sinh tăng tốc và cán đích thành công, nếu đề cao quyết tâm và có kế hoạch, lộ trình ôn tập cụ thể. 

{keywords}
129.000 sĩ tử giành suất vào trường công Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Cô Trần Thị Kim Ngân (giáo viên Trường THPT Kim Liên) cho hay, khoảng 60% số học sinh được tuyển vào các trường THPT công lập năm nay là con số không biến động quá nhiều so với năm trước (62%).

“Số thí sinh không đăng ký dự thi vào công lập ngày càng cao. Cụ thể, theo khảo sát, năm học 2020-2021 khoảng 15.000 thí sinh đăng ký vào các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. 

Ngoài ra, số lượng học sinh tăng khoảng 19.000 so với năm học 2020-2021, nhưng có thể thấy Sở GD-ĐT cũng đã sẵn sàng với việc các trường THPT công lập năm nay sẽ tuyển khoảng 77.000 học sinh, tức tăng 10.000 so với năm ngoái”.  

Do đó, theo cô Ngân, không nên quá lo lắng bởi tỷ lệ chọi trung bình thực chất sẽ không biến động nhiều.

Tuy nhiên, học sinh cần tránh cả 2 trạng thái tâm lý: Hoặc chủ quan thái quá (do một số em đã tự tin về lực học của mình, giờ không có môn thi thứ 4, lại có thêm thời gian ôn thi, nên dễ chủ quan) hoặc lo lắng thái quá (tâm lý này xuất hiện đối với các em còn chưa tự tin, sợ thời gian ôn thi nhiều thì các bạn khác càng tiến bộ nhiều, càng chắc kiến thức, thì điểm số cạnh tranh càng khốc liệt).

Cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho rằng, các học sinh có thể vững tâm bởi thời gian từ khi chốt việc thi 3 môn cho đến khi kỳ thi vào lớp 10 diễn ra tuy không dài, nhưng đủ để những em tập trung, quyết tâm ôn tập có thể đạt được kết quả tốt.

“Tôi tin độ rộng và mức khó của đề thi sẽ không như những năm không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, do đó các em có thể yên tâm. Các em nên quan tâm đến những phần kiến thức cơ bản, để giành được trọn vẹn điểm các phần này".

Bà Yến cũng nhắn nhủ tới các thí sinh, những khó khăn mà các em gặp phải không chỉ với riêng một trường, một học sinh nào mà là khó khăn chung. “Vì vậy, khó người khó ta, dễ người dễ ta, quan trọng nhất chính là mỗi học sinh cần phải biết vượt qua giới hạn của chính mình, cần quyết tâm và chăm chỉ để có được điểm rơi phong độ tốt nhất”.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) nhận định, 3 môn thi vào lớp 10 đã được các nhà trường rất chú trọng và có những kế hoạch dài hơi từ đầu năm học để giúp các em hoàn thành chương trình lớp 9, sẵn sàng thi vào lớp 10. 

Thầy Cường đặc biệt nhấn mạnh vai trò đồng hành của phụ huynh ở giai đoạn này.

“Vượt vũ môn vào trường THPT công lập là một trong những thử thách khó khăn với học sinh. Bởi vậy, thay vì những áp đặt, cứng nhắc trong mệnh lệnh buộc phải đỗ tới con mình thì phụ huynh hãy là người bạn đồng hành. Hãy bên con để lắng nghe những khó khăn, những chia sẻ về băn khoăn, vướng mắc.... để có những động viên, định hướng kịp thời cho con. Từ đó cho dù con có đỗ THPT công lập hay lựa chọn học các trường ngoài công lập, học nghề... cũng là những lựa chọn có căn cứ, phù hợp, thoải mái về tâm lí”.

Vậy nên, phụ huynh không nên tạo một áp lực "buộc phải đỗ THPT công lập" tới học sinh. Thay vào đó, phụ huynh nên phối kết hợp với nhà trường trong việc nhận định về năng lực của con mình để có nhận định về phân luồng. Nhiều năm vừa qua, việc phân luồng để học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tham gia học các trường nghề ngay từ lớp 10 cũng là một hướng đi rất phù hợp.

Thậm chí, các gia đình cũng nên có phương án để con học THPT ở các trường ngoài công lập. Hệ thống các trường THPT ngoài công lập tại Hà Nội ngày càng rất tốt, đáp ứng được việc tạo nền tảng để học sinh có nhiều hoạt động, học tập rèn luyện tạo bước đệm lập thân lập nghiệp sau THPT”, thầy Cường phân tích.

Thanh Hùng

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10 công lập

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10 công lập

Gần 130.000 sĩ tử của Hà Nội sẽ bước vào mùa thi lớp 10 năm nay với 3 bài thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, sẽ chỉ có 77.000 suất vào các trường THPT công lập.