Hôm 18/11, hàng nghìn người dân Zimbabwe đã đổ xuống các con đường ở thủ đô Harare ủng hộ hành động của quân đội và đòi kết thúc 37 năm cầm quyền của Tổng thống Robert Mugabe.

Cuộc tuần hành này của nhân dân Zimbabwe, với sự chấp thuận của quân đội, được cho là sẽ gia tăng áp lực từ "tiếng nói nhân dân"; qua đó thúc đẩy tiến độ cuộc đàm phán để Tổng thống Mugabe phải chấp thuận từ chức.

Ảnh AP

Từ sau khi vụ đảo chính xảy ra, hôm 17/11 Tổng thống Mugabe đã lần đầu tiên xuất hiện trong một buổi lễ tốt nghiệp tại thủ đô Harare. Sự kiện này tạo cảm giác về mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường và rằng các tướng lĩnh quân đội không hề tiến hành một cuộc đảo chính vi hiến nào.

Nhưng thực tế là vị anh hùng dân tộc Robert Mugabe, người đã giải phóng Zimbabwe khỏi sự cai trị của thiểu số người da trắng, giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử dân chủ và hợp pháp, biểu tượng của quyền tự quyết của dân tộc Phi đã bị tước hết quyền lực, sau 37 năm ngồi trên chiếc ghế lãnh đạo cao nhất.

Giờ hãy cùng nhìn lại toàn cảnh Zimbabwe 4 thập kỷ qua và thử vẽ tương lai mà người dân nước này đang mong đợi.

Giàu tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực, Zimbabwe từng được ví như “chiếc giỏ bánh mỳ” của châu Phi. Nhưng giờ đây, đất nước này đã trở thành quốc gia nghèo thứ 5 thế giới sau một thời gian dài áp dụng những chính sách kinh tế không hiệu quả của ông Mugabe.

Vị lãnh đạo cấp cao đã khai sinh ra đất nước Zimbabwe, giờ đã 93 tuổi, ông muốn dọn đường cho người vợ trẻ, kém ông 41 tuổi lên kế nhiệm. Ông đã sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người từng có thỏa thuận ngầm rằng sẽ không tranh giành chức Chủ tịch Đảng ZANU-PF cầm quyền để có thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2018. Hậu quả là quân đội đã hành động chống lại ông, áp dụng quy chế quản thúc tại gia đối với ông và vợ.

Ảnh CNN

Tình hình này đang đẩy đất nước từng một thời giàu có và dân chủ rơi vào tình huống như một loạt các nước khác vẫn đang vật lộn với di sản thời thuộc địa: nếu vị tổng thống cao tuổi không thể tiếp tục nắm quyền thông qua vợ hoặc các thành viên khác trong gia đình mình, đất nước phải sẽ bị nằm dưới sự điều hành của quân đội, hay các nhân vật mà quân đội ủng hộ, như cựu Phó Tổng thống Mnangagwa, người trước đây đứng đầu lực lượng cảnh sát mật. Tương lai trước mắt đối với Zimbabwe sẽ thế nào?

Mọi chuyện xoay quanh hai chữ “kinh tế”

Ông Mugabe được người dân Zimbabwe ngưỡng mộ, nhưng chủ yếu là vì những phát biểu chống chủ nghĩa đế quốc hơn là vì tài năng điều hành đất nước của ông. Ông đã chủ trương hòa giải với người da trắng từng đàn áp dân tộc Phi. Nhờ viện trợ nước ngoài và các điều kiện thời tiết thuận lợi giúp mùa màng bội thu, đất nước Zimbabwe đã phát triển thịnh vượng trong một thời gian sau khi độc lập.

Ông đã rất hào phóng chi tiền cho giáo dục, nhưng cũng dành phần nhiều cho giới chủ. Khi cạn tiền, ôn bắt đầu thu giữ nhiều thứ, như các trang trại của người da trắng, và trao vào tay những người ủng hộ mình, vốn không có kinh nghiệm và hiểu biết về nghề nông. Ông coi nhẹ quyền sở hữu đất khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Ông bắt đầu in tiền để trả cho quân đội và các dịch vụ dân sự, gây tình trạng siêu lạm phát nghiêm trọng, đến mức 1.000 tỷ đô la Zimbabwe chỉ mua được một chai nước ngọt. Ông cố gắng chống lạm phát bằng cách kiểm soát giá cả, khiến các cửa hàng cạn kiệt hóa cơ bản. Sau gần 4 thập kỷ nắm quyền của ông, Zimbabwe đã trở thành nước nghèo thứ 5 thế giới. Năm nay, 1/4 dân số trong tình trạng đói khát, khoảng 3-5 triệu người trong số 17 triệu dân nước này đã phải di cư.

Liệu một cuộc đảo chính có giúp cải thiện vấn đề? Khó mà lạc quan về điều đó. Các cuộc đảo chính không bao giờ là hợp pháp và thường chỉ khiến nghèo đói gia tăng. Các tướng lĩnh không phải là những nhà cải cách. Hơn nữa, họ là một phần của hệ thống mà ông Mugabe đã tạo ra.

Nếu Tổng thống Mugabe từ chức sẽ mở cánh cửa cho bất cứ ai có khả năng đem lại những thành quả kinh tế lớn cho một đất nước đang rất mong muốn thay đổi này. Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu và chính sách công châu Phi, giáo sư Martin Rupiya nhận định nếu giải quyết được các vấn đề kinh tế tại Zimbabwe thì mọi chuyện còn lại sẽ ổn thỏa.

Zimbabwe cần được “bơm” một lượng lớn tiền mặt để đưa đất nước trở lại bình thường. Và để được vậy, giải quyết vấn đề kinh tế sẽ là quan trọng đối với bất cứ chính quyền lâm thời nào để thực hiện cam kết đầy đủ với cộng đồng quốc tế.

Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của economist.co.za Mike Schussler cho rằng cần áp dụng các chính sách thân thiện với doanh nhân và thiết lập lại các quyền sở hữu cho mọi người. Cho phép các trang trại đồn điền, lâu nay không trồng cấy sinh lời được, trở lại với chủ sở hữu cũ để sản xuất có thể bắt đầu. Chính phủ cũng cần giảm bớt quyền kiểm soát mọi thứ như hiện nay và cho phép doanh nhân làm công việc của mình.

“Tháo cũi” cho nền kinh tế bằng cách cho phép cạnh tranh. Điều mà Zimbabwe cần bây giờ là năng lực trong lĩnh vực ngân hàng và quản lý tài chính, và kinh nghiệm quản lý đất nông nghiệp.

Trên tất cả, Zimbabwe cần một đội ngũ lãnh đạo gồm các nhà kỹ trị, một chính phủ tập trung vào phục hồi kinh tế hơn là tranh giành quyền lực giữa các phe phái.

Lạc quan không tếu

Ảnh AP

Zimbabwe hiện vẫn là một quốc gia giàu tài nguyên. Sản lượng nông nghiệp của nước này từ lâu đã sụt giảm nhưng đất đai vẫn còn rất màu mỡ. Nhiều người Zimbabwe đã rời bỏ nhà cửa vì tình trạng siêu lạm phát nhưng trong lòng vẫn đau đáu hướng về quê hương, và họ là những người có giáo dục nhờ được hưởng một hệ thống giáo dục phổ thông rất tốt - vốn là một trong vài đóng góp đáng kể của ông Mugabe. Bên cạnh đó, các hệ thống pháp lý và tư pháp của Zimbabwe dù không phải là tốt nhất khu vực nhưng cũng không phải là tệ nhất. Như vậy là vẫn còn lối thoát.

Hậu Mugabe, Zimbabwe sẽ có thể lại nhận được sự trợ giúp từ Trung Quốc, nước đang đầu tư rất lớn vào châu Phi. Thành công sẽ cần trông cậy vào những người Zimbabwe ở nước ngoài, những người đang đóng góp cho đất nước thông qua ngoại tệ gửi về cùng một lòng nhiệt thành với quê hương; và trông cậy vào các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ, những nước sẽ biết dùng đòn bẩy viện trợ để khuyến khích một hạ tầng chính trị không theo kiểu gia đình trị hay nằm dưới sự kiểm soát của quân đội.

Quốc hội Zimbabwe sẽ họp vào ngày 21/11 và có thể thông qua việc phế truất Mugabe nếu ông kiên quyết không từ chức. Một cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào giữa năm tới. Bất cứ khoản trợ giúp nào dành cho một chính phủ chuyển tiếp mới sẽ đi kèm với điều kiện bỏ phiếu công bằng và tự do. Trong quá khứ, thế giới đã từng bỏ rơi Zimbabwe nhiều lần.

Nhưng lần này, nhiều chỉ dấu cho thấy, các nước đang chìa tay để giúp đất nước này sớm vượt qua cơn sóng cả.

Diệu An