Thế hệ đồng hồ thông minh thứ 4 của Apple ra mắt năm 2018 chứa một gia tốc kế và con quay hồi chuyển thế hệ mới, kết hợp với các thuật toán đặc biệt có thể phát hiện khi người đeo bị ngã. Nó có thể phân tích quỹ đạo cổ tay và các tác động từ bên ngoài, từ đó gửi thông báo cho người dùng. Dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng để liên hệ với các dịch vụ cứu hộ khẩn cấp.
Một tính năng thú vị khác giúp chăm sóc sức khỏe người dùng là khả năng phát hiện các bệnh lý bất ổn định tim có khả năng đe dọa tính mạng của người dùng. Thiết bị mới chứa một cảm biến nhịp tim điện, với các điện cực được tích hợp trong vòng xoay kỹ thuật số của đồng hồ, có khả năng đưa ra cảnh báo cho người dùng nếu phát hiện nhịp tim bất thường. Nó cũng được tích hợp chức năng đo điện tâm đồ (ECG). Người đeo có thể chạm vào vòng xoay để kích hoạt ECG, và chỉ cần chờ trong vòng 30 giây là sẽ nhận được kết quả đo. Dữ liệu điện tâm đồ của Apple Watch có thể phát hiện trường hợp rung tâm nhĩ (AFib), một bệnh tim nghiêm trọng có thể dẫn đến đột quỵ, đông máu và đau tim.
Mặc dù công nghệ này có khả năng cứu sống người dùng ở những thời điểm khẩn cấp, tuy nhiên nó cũng có một nhược điểm.
Đầu tháng này, Apple đã phát hành bản cập nhật watchOS 5.1.2 cho dòng sản phẩm đồng hồ của hãng, mang đến tính năng cảnh báo nhịp tim không đều và ứng dụng đo điện tâm đồ ECG. Gần như ngay lập tức, trên báo chí xuất hiện rất nhiều câu chuyện của những người dường như vẫn khỏe mạnh bình thường - hay nói chính xác hơn là không có triệu chứng bệnh rõ ràng - nhưng lại được chiếc đồng hồ thông minh này cảnh báo về tình trạng tim nguy cấp có khả năng gây tử vong. Những người dùng này lập tức đi khám bác sĩ để kiểm tra sức khoẻ của mình. Đây cũng là một trong những sự nguy hiểm của bệnh rung tâm nhĩ (AFib): không có triệu chứng nào rõ ràng.
Một câu chuyện như vậy đã xảy ra với một biên tập viên kỳ cựu của chuyên trang công nghệ CNET. Cô đã được chiếc đồng hồ thông minh của Apple chẩn đoán về tình trạng nhịp tim sớm bất thường. Các bác sĩ sau khi sử dụng những thiết bị đo hiện đại theo tiêu chuẩn của ngành y tế cũng đưa ra kết luận tương tự.
Một trường hợp khác xảy ra với một người đàn ông 46 tuổi khoẻ mạnh, thường xuyên tập thể dục và không có triệu chứng hay tiền sử về tim mạch. Ông đã ngay lập tức nhận được cảnh báo về triệu chứng của bệnh rung tâm nhĩ AFib ngay khi vừa cài đặt bản cập nhật và sử dụng tính năng này lần đầu tiên. Khi ông đến khám tại một cơ sở chăm sóc sức khoẻ, các bác sĩ đã xác nhận chẩn đoán được đưa ra bởi Apple Watch là chính xác, và ông nhanh chóng được chuyển tới gặp một bác sĩ tim mạch để đưa ra các phác đồ điều trị tiếp theo.
Một số bác sĩ cho biết họ đã nhận được cuộc gọi từ các bệnh nhân của mình vào lúc nửa đêm vì lo lắng trước những kết quả chẩn đoán mà họ không hiểu từ chiếc đồng hồ. Điều này làm dấy lên khả năng người dùng có thể đọc sai và hiểu sai các kết quả đo của tính năng điện tâm đồ, từ đó phải phải lặn lội vượt những quãng đường xa, tốn kém để đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm chăm sóc sức khoẻ khẩn cấp hoặc phòng cấp cứu trong khi sức khoẻ của họ vẫn bình thường. Nó cũng khiến cho người dùng có thể trở nên hoảng sợ và lo lắng không cần thiết, ngay cả khi kết quả chẩn đoán được thiết bị đưa ra là đúng, bởi vì trong nhiều trường hợp kết luận của bác sĩ chỉ là khuyên bệnh nhân về nhà tiếp tục theo dõi.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại trường hợp các bệnh nhân khoẻ mạnh dựa vào các dữ liệu sức khoẻ bất thường từ các thiết bị như Apple Watch để gây áp lực buộc các nhân viên y tế phải kiểm tra cho họ, bất chấp việc các bác sĩ nói rằng điều đó là không cần thiết. Điều này có thể làm mất thời gian của bệnh viện và khiến cho các bệnh nhân ở trong tình trạng nguy cấp và cần được chăm sóc thật sự phải chờ đợi.
Cuối cùng, ngay cả khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã thử nghiệm và công bố rằng thiết bị của Apple đạt hiệu quả tới 99,6% trong việc chẩn đoán chính xác nhịp xoang và phát hiện đúng 98,3% các trường hợp rung tâm nhĩ, thì nhiều bác sĩ vẫn lo ngại về các trường hợp chẩn đoán nhầm có thể khiến cho nhiều người hoảng sợ và vội vã đi tìm sự giúp đỡ y tế trong khi thực tế là không cần thiết.
Apple ngày càng quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh doanh số iPhone, vốn chiếm gần 60% doanh thu của công ty, đang ngày càng tăng trưởng chậm lại. Apple đã tiến hành các nghiên cứu về tim lớn nhất từ trước đến nay để kiểm tra khả năng phát hiện nhịp tim không đều của chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch và kết quả của nghiên cứu này sẽ có vào đầu năm tới.
Thiết bị đeo thông minh, một nhánh con trong nhóm các sản phẩm khác của Apple, bao gồm đồng hồ thông minh, là một trong những mảng kinh doanh phát triển nhanh nhất của công ty. Trong hội nghị trực tuyển thảo luận về kết quả của quý IV năm tài chính 2018 của Apple, CEO Tim Cook cho biết hoạt động kinh doanh thiết bị đeo thông minh, bao gồm các sản phẩm tai nghe AirPods và Beats, đã có "một quý kinh doanh đạt kỷ lục tiếp theo" với mức tăng trưởng 50% duy trì qua các năm. Ông cũng khoe rằng Apple Watch nhận được "tỷ lệ hài lòng của khách hàng cao nhất so với các sản phẩm cùng loại của các hãng khác".
Việc Apple tiến sâu hơn nữa vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thông qua bằng chứng là các tính năng ưu việt liên quan đến chăm sóc sức khỏe của đồng hồ Apple Watch, có thể đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Như với bất kỳ công nghệ mới nào, sẽ cần một khoảng thời gian để các nhà phát triển tích luỹ kinh nghiệm và cải tiến sản phẩm của mình, nhưng tiềm năng ứng dụng của các công nghệ chăm sóc sức khoẻ là rất rõ ràng dù mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển. Và khi người dùng có cơ hội được chủ động kiểm soát và quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ của bản thân thông qua những công nghệ như vậy, thì nhu cầu sở hữu sản phẩm đồng hồ thông minh Apple Watch sẽ tăng cao. Điều này chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Apple và các cổ đông của họ.