Trở lại bình thường cũng có nghĩa là trong khi ASEAN đàm phán về COC với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực và hăm dọa Philippines và Việt Nam.
GS. Carlyle A. Thayer viết riêng cho Tuần Việt Nam.
Ngoại trưởng Indonesia, ông Marty Natakegawa mới đây đã thực hiện một vòng ngoại giao con thoi căng thẳng tới các nước Campuchia, Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia nhằm cứu vãn thỏa thuận về Sáu nguyên tắc của ASEAn trong vấn đề Biển Đông. Trả lời đài truyền hình ABC của Australia về kết quả từ những nỗ lực của ông, vị ngoại trưởng này đáp đó là việc ASEAN trở lại như cũ.
Ý của Ngoại trưởng Marty là ông đã kiểm soát để vượt qua những xáo trộn khi các ngoại trưởng ASEAN không thể đạt được một thỏa thuận gồm 4 đoạn về vấn đề Biển Đông trong bản dự thảo thông cáo chung về kết qủa của hội nghị bộ trưởng lần thứ 45 vừa rồi.
Câu chuyện trong phòng họp kín
Vấn đề Biển Đông đã được thảo luận trong phiên họp toàn thể của phiên họp hẹp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN AMM. Philippines lên tiếng đầu tiên, sau đó là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Lào, Myanmar, Singapore và Campuchia.
Ngoại trưởng Del Rosario mô tả một vài "sự mở rộng và gây hấn" của Trung Quốc trong quá khứ cũng như gần đây, nhằm "ngăn Philippines thực thi luật pháp và buộc Philippines phải rút khỏi chính vùng đặc quyền kinh tế của mình".
Ông Del Rosario nêu câu hỏi tu từ: "Giá trị thực của một Bộ quy tắc ứng xử COC là gì một khi chúng ta không thể duy trì được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC".
Ngoại trưởng Del Rosario kết thúc với tuyên bố "điều quan trọng là ủy ban hỗn hợp ASEAN cần đảm bảo DOC được phản ánh trong thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN".
Bốn quốc gia khác cũng trực tiếp nêu điểm này. Việt Nam mô tả việc Trung Quốc thành lập Thành phố Tam Sa và việc Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC mời thầu các lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này là "sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam". Việt Nam đề nghị thông cáo chung phản ánh điều này.
Indonesia đề cao vai trò của ASEAN trong việc thống nhất tiếng nói, và lưu ý những diễn biến gần đây trên Biển Đông là mối quan ngại chung của tất cả các nước ASEAN. Indonesia tán thành việc hoàn thành COC và hứa văn bản hóa các vấn đề đang thảo luận trong COC.
Tán thành nhận xét của Indonesia, Malaysia nhấn mạnh "chúng ta phải nói một tiếng nói duy nhất, ASEAN phải thể hiện một tiếng nói thống nhất, nếu không uy tín của chúng ta sẽ bị xói mòn".
Malaysia kết luận, "Chúng ta phải dẫn chiếu đến tình hình ở Biển Đông, đặc biệt là bất kì hành động nào đi ngược lại luật pháp quốc tế về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hoàn toàn không thể chấp nhận việc chúng ta không đưa vấn đề này vào thông cáo chung. Điều quan trọng là ASEAN phải có một quan điểm rõ ràng trong thông cáo chung về mối quan ngại của chúng ta trong vấn đề Biển Đông"
Singapore lưu ý rằng "những diễn biến mới đây là đặc biệt đáng quan ngại" bởi vì chúng đưa ra "một cách giải thích luật quốc tế lạ kì có thể xói mòn toàn bộ thể chế UNCLOS". Singapore kết luận bằng việc nêu quan điểm "điều quan trọng là ASEAN cần có một quan điểm rõ ràng trong thông cáo chung về mối quan ngại của chúng ta về vấn đề Biển Đông.... Sẽ là mối nguy hại cho chúng ta nếu chúng ta không nói gì".
Cho đến khi Campuchia lên tiếng, không quốc gia nào là ngoại lệ trong việc ủng hộ quan điểm của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore. Đến lượt Campuchia, ngoại trưởng nước này chất vấn có thật cần thiết phải nhắc đến bãi cạn Scarborough. Ngay sau đó, ông bất ngờ tuyên bố "tôi phải nói thẳng với các ngài, trong trường hợp chúng ta không tìm ra giải pháp nào khác, Campuchia không có bất kì nguồn lực nào thêm để xử lí vấn đề này. Sẽ không có một văn bản nào hết. Chúng ta không nên áp đặt quan điểm quốc gia, chúng ta nên cố gắng phản ánh quan điểm chung trên tinh thần thỏa hiệp lẫn nhau".
Đến lúc này, cuộc thảo luận nóng lên. Cả Philippines và Việt Nam tiếp tục tranh luận về các vụ việc của họ. Các nước khác cũng tham gia thảo luận và Malaysia, Indonesia và Singapore. Phiên họp hẹp Hội nghị ngoại trưởng kết thúc với tuyên bố của Ngoại trưởng Campuchia: "Chúng ta không bao giờ có thể đạt được thỏa thuận cho dù chúng ta có ngồi đây thêm 4-5 giờ nữa... Nếu các ngài không thể đồng ý với văn bản thông cáo chung, chúng tôi không có nguồn lực nào nữa để xử lí vấn đề này với tư cách là Chủ tịch ASEAN".
Trở lại như cũ?
Ngoại trưởng Marty hoàn toàn đúng khi chỉ ra rằng mặc dù không có thông cáo chung nào được đưa ra, các ngoại trưởng ASEAN đã đạt được thỏa thuận trong các "yếu tố then chốt" của COC trên Biển Đông. Sau nỗ lực ngoại giao con thoi của ông, các ngoại trưởng ASEAN đồng ý "một kết thúc sớm về Bộ quy tắc ứng xử khu vực trên Biển Đông".
Campuchia, trên tư cách Chủ tịch ASEAN, là chủ nhà tổ chức các cuộc gặp không chính thức giữa các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc để thảo luận cách thức tiến tới COC. Trung Quốc công khai tuyên bố sẵn sàng tham gia vào thảo luận chính thức với ASEAN "khi điều kiện chín muồi".
Nếu theo đúng kế hoạch, các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận về thể thức của các cuộc thảo luận sắp tới. Họ cần quyết định sẽ thảo luận ở cấp nào, mức độ thường xuyên cũng như việc báo cáo tiến độ cho ai. Các cuộc thảo luận chính thức sẽ được lên lịch sẽ khởi động từ tháng 9. Các quan chức ASEAN muốn kết thúc đàm phán vào tháng 11.
Ngoại giao con thoi của ngoại trưởng Indonesia mang lại động lực vô cùng cần thiết cho nhuệ khí của ASEAN. Nỗ lực của ông cũng đã giúp xua tan những luận điểm bên ngoài ĐNA cho rằng có sự không thống nhất giữa các thành viên ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông. Quan trọng hơn, sự can thiệp của Indonesia nhắc nhở Campuchia trên tư cách Chủ tịch ASEAN rằng nước này không thể đơn phương kiểm soát chương trình nghị sự của ASEAN.
Sự can dự của ngoại trưởng Indonesia là chưa có tiền lệ. Ông đã thực hiện vai trò lãnh đạo vốn thường rơi vào Chủ tịch ASEAN. Cuối cùng, sự can dự của Ngoại trưởng Indonesia cho thấy nước này sẵn sàng giữ một vai trò tích cực hơn trong các vấn đề khu vực. Điều này trái ngược với giai đoạn Suharto cầm quyền, khi Indonesia, nước vốn được xem là lãnh đạo tự nhiên ở ĐNA, đóng một vai trò thấp "mềm và mỏng".
Có một ý nghĩa khác trong tuyên bố của Ngoại trưởng Marty rằng mọi việc trở lại bình thường. Nó liên quan đến sự quyết đoán mới của Trung Quốc trong việc thực thi quyền tài phán củ mình ở Biển Đông. Trung Quốc thực hiện dưới ba dạng thức: Một là, Trung Quốc nâng cấp Tam Sa từ cấp quận lên cấp thành phố và thực thi trách nhiệm quản lý đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi Macclesfield. Theo đó, chính quyền tỉnh Hải Nam vội vã bổ nhiệm các quan chức địa phương của đơn vị hành chính mới này. Việc bỏ phiếu bầu HĐND cũng vừa được tổ chức.
Hai là, tỉnh Hải Nam cũng đã cử 30 tàu thuyền đánh cá và bốn tàu hộ tống đánh bắt cá ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Đội tàu ban đầu đánh bắt ngòai khơi đảo Chữ Thập sau đó chuyển sang Bãi Gạc Ma.
Thứ ba và đáng chú ý nhất, Ủy ban quân ủy trung ương Trung Quốc ban hành chỉ thị thành lập đơn vị đồn trú quân sự ở (cái gọi là) Tam Sa. Đồn trú này có nhiệm vụ bảo vệ khu vực 13 km2 lãnh thỗ và hai triệu dặm vuông mặt nước. Trụ sở chính đồn trú đóng tại đảo Phú Lâm.
Trở lại bình thường cũng có nghĩa là trong khi ASEAN đàm phán về COC với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực và hăm dọa Philippines và Việt Nam.
Carlyle A. Thayer