Đến năm 2020, theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ASEAN rất có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu.

Bên cạnh các mục tiêu phát triển về kinh tế, ASEAN còn là một tổ chức chính trị quan trọng tại khu vực với tham vọng giữ gìn nền hoà bình và an ninh Đông Nam Á.

Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, có một số nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế vào hàng nhanh nhất thế giới như Philippines và Việt Nam, với mức tăng hàng năm hơn 6%. Sự kết hợp giữa dân số hơn 620 triệu người và một nền kinh tế khu vực hơn 2,6 nghìn tỷ USD mang lại cho ASEAN một tiềm năng đầu tư khổng lồ.

Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới.

{keywords}
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn dự Phiên khai mạc. Ảnh TTXVN

Theo Bộ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Đến nay, ASEAN đã trở thành một liên kết kinh tế mạnh mẽ với mức độ tự do hóa cao trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, đồng thời cũng là một nền kinh tế lớn, trung tâm thương mại quan trọng trong bản đồ kinh tế toàn cầu, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và thứ 3 châu Á với GDP đạt 2.550 tỷ USD năm 2016.

ASEAN thúc đẩy xây dựng thị trường chung thông qua sự tự do di chuyển của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động tay nghề. Về tự do hóa thương mại hàng hóa, trên cơ sở Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến hết năm 2016, ASEAN đã xóa bỏ thuế nhập khẩu với 96,01% tổng số dòng thuế, trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của các nước ASEAN-6 gồm Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái-lan và Phi-li-pin là 99,2%, của bốn nước Việt Nam, Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia (CLMV) là 90,9%. Đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của các nước ASEAN-6, CLMV và trung bình ASEAN sẽ lần lượt là 99,2%, 97,81% và 98,67%.

Về tự do hóa thương mại dịch vụ, trong khuôn khổ Hiệp định khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS), ASEAN đã có chín trong số 10 Gói cam kết về thương mại dịch vụ chung, bảy Gói cam kết về dịch vụ tài chính, chín Gói cam kết về dịch vụ vận tải hàng không với phạm vi rộng hơn và mức độ sâu hơn so với các cam kết trong khuôn khổ WTO.

Về tự do lưu chuyển dòng đầu tư, các thành viên ASEAN đã nỗ lực loại bỏ dần các biện pháp bảo lưu trong Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) ký vào năm 2009, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn với các biện pháp, sáng kiến xúc tiến, thúc đẩy, bảo hộ và thuận lợi hóa đầu tư. Về tự do hơn nữa lưu chuyển của dòng vốn, các thành viên ASEAN đã hoàn thành xây dựng Khuôn khổ ASEAN về hội nhập ngân hàng với các biện pháp hài hòa hóa quy định và tiêu chuẩn ngân hàng, tăng cường kết nối các thị trường chứng khoán trong và ngoài khu vực.

Theo đánh giá của giới quan sát, ASEAN là thị trường đang phát triển nhanh nhất thế giới, với 330 triệu người sử dụng Internet. Đến năm 2025, nền kinh tế mạng của ASEAN dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, đạt 200 tỷ USD so với 50 tỷ USD năm 2017. Dự đoán đến thời điểm đó, kim ngạch thương mại điện tử sẽ tăng lên 88 tỷ USD.

Hôm 12/11, phát biểu khai mạc tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN diễn ra tại Marina Bay Sands, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước thành viên ASEAN mở cửa thị trường và đẩy mạnh hội nhập, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới.

{keywords}
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN. Ảnh TTXVN

Thủ tướng Singapore đánh giá 10 nước thành viên ASEAN đều có tiềm năng rất lớn,  nhưng để khai thác tối đa tiềm năng phụ thuộc vào việc các nước có lựa chọn hội nhập hơn và quyết tâm thực hiện mục tiêu này hay không, trong bối cảnh cơ chế đa phương trên thế giới bị đe dọa bởi những sức ép chính trị.

Nhà lãnh đạo Singapore kêu gọi các công ty Đông Nam Á đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường của nhau, cũng như cởi mở hơn với cạnh tranh nước ngoài. 

Thủ tướng Lý Hiển Long từng cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tiêu cực đến Singapore, trong khi Ngân hàng Trung ương Singapore đánh giá tăng trưởng kinh tế nước này sẽ bị sụt giảm do căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong vài tháng trở lại đây, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang cùng với các gói áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau, trong đó Mỹ là bên khởi xướng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh những hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng. 

Thu Thủy - Vũ Thị Huyền