Bộ này đề nghị các đơn vị nói trên phải tự chịu trước pháp luật theo đúng quy định.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố về công khai giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào các doanh nghiệp và báo cáo của các cơ quan, đơn vị chủ quản, chủ sở hữu về việc đầu tư vốn Nhà nước vào các doanh nghiệp thuộc quyền.
Bộ Tài chính nêu rõ ba Bộ, ngành không có báo cáo về giám sát vốn đầu tư Nhà nước vào doanh nghiệp mà các Bộ này đứng tên chủ sở hữu sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. |
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2018.
Trong đó, ba bộ, cơ quan ngang bộ là chủ sở hữu của doanh nghiệp có vốn Nhà nước phát sinh hoạt động đầu tư vào năm 2018 là Bộ Quốc phòng ở việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho 52 doanh nghiệp, trong đó có 17 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Tài chính sẽ thực hiện chức năng giám sát trực tiếp việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho 4 doanh nghiệp là Tổng Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam, Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam.
Hai cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với Bộ Tài chính thực hiện giám sát trực tiếp dự án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhà máy in tiền quốc gia.
Cùng đó là việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho 4 doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Công Công ty Hàng không Việt Nam.
Theo Bộ tài chính, các dự án, doanh nghiệp có phát sinh vốn đầu tư của Nhà nước đã công bố của 04 Bộ, cơ quan ngang bộ nói trên sẽ được giám sát trực tiếp từ quý II/2019.
Cùng với 4 Bộ, cơ quan ngang bộ chịu giám sát trực tiếp từ quý II/2019, 28 địa phương nơi có vốn Nhà nước đầu tư tại các dự án thuộc quyền quản lý, địa phương đứng tên chủ sở hữu cũng sẽ được giám sát trực tiếp từ quý II/2019, điển hình là TP.HCM, An Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Đắc Lắk, Nghệ An, Hải Dương…
Đáng chú ý tại danh mục các cơ quan đại diện, chủ sở hữu không thực hiện giám sát hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp năm 2018 có 03 Bộ ngành được xem có nhiều doanh nghiệp trực thuộc nhất là: Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và Giáo dục và Đào tạo nhưng lại không có báo cáo đề nghị cùng Bộ Tài chính giám sát.
Văn bản Bộ Tài chính khẳng định, lý do không thực hiện giám sát vốn Nhà nước vào các dự án mà các Bộ ngành nói trên đứng vai trò là chủ sở hữu vốn Nhà nước là: “Do Bộ Tài chính không nhận được báo cáo và các đơn vị tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện giám sát theo quy định”.
Các Bộ, ban ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội không thực hiện giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp vì các đơn vị này không có phát sinh vốn Nhà nước đầu tư.
(Theo Dân trí)