Mời quý độc giả theo dõi video:

Thanh Hóa thường xuyên chịu tác động của hai loại hình thời tiết (Bắc bộ và Trung bộ), hầu như năm nào cũng chịu ảnh hưởng của thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản.

Các khu vực được đánh giá dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu thường nằm ở ven biển, vùng sâu, vùng xa. Đơn cử, năm 2017, đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 14 đợt thiên tai (khốc liệt nhất trong giai đoạn 2010 - 2020), làm 27 người chết, 02 người mất tích, 13 người bị thương; 272 nhà bị đổ, trôi, sập; 48.419 nhà bị ngập; sản xuất bị thiệt hại nặng..., với tổng giá trị tài sản thiệt hại khoảng 4.799 tỷ đồng. Năm 2018 chịu ảnh hưởng của 15 đợt thiên tai, làm 22 người chết, 16 người mất tích; giá trị tài sản thiệt hại khoảng 2.909 tỷ đồng.

Năm 2019 chịu ảnh hưởng của 13 đợt thiên tai, làm 17 người chết, 04 người mất tích, 09 người bị thương; giá trị tài sản thiệt hại khoảng 1.403 tỷ đồng. Năm 2020 chịu ảnh hưởng của 27 đợt thiên tai, làm 01 người chết, 02 người bị thương; giá trị tài sản thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 19 đợt thiên tai, trong đó có 09 đợt gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất tại các địa phương, làm 01 người chết, 01 người bị thương... giá trị tài sản thiệt hại khoảng 19,6 tỷ đồng.

Vừa mới đây, mặc dù bão Yagi không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa lớn trên diện rộng đã xuất hiện, nhiều nhà dân ở huyện biên giới bị mưa, gió thổi bay mái.  Trước đó, để chủ động ứng phó với hoàn lưu bão Yagi, Thanh Hóa đã tổ chức sơ tán 710 hộ với 2.842 nhân khẩu sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn.

W-462550789_3868371010063171_6983329001547080125_n.jpg
Khu tái định cư ở thôn La Ca được đầu tư cơ sơ hạ tầng đảm bảo cho sinh hoạt người dân.

Hiện tượng đất đá sạt lở vừa qua khiến nhiều người dân thôn La Ca nhớ lại sự bất an nhiều năm với nỗi lo bão lũ, sạt lở đất.

La Ca nằm ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước có 108 hộ dân với 427 nhân khẩu. Trong đó có hơn 30 hộ nằm dọc dưới chân núi có nguy cơ sạt lở cao. Năm 2017, vùng đất này có hiện tượng nứt và sạ lở đá xuống nhà bản làng, đe dọa đến tính mạng, cuộc sống của người dân địa phương.

Với tinh thần chủ động, khẩn trương và đảm bảo an toàn cho các hộ dân, chính quyền xã Cổ Lũng đã báo cáo lên UBND huyện và triển khai khảo sát cùng các đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện., lên phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân.

Theo Quyết định số 4208/QĐ-UBND, ngày 9/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt “Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ dân thôn La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước” mục tiêu dự án nhằm xây dựng mới khu tái định cư liền kề cho 33 hộ dân thôn La Ca, đảm bảo an toàn, từng bước ổn định đời sống của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, XDNTM và củng cố quốc phòng - an ninh.

Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Bá Thước làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh theo Nghị quyết số 123/NQ-HĐND, ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa. Riêng kinh phí giải phóng mặt bằng (nếu có) do ngân sách huyện Bá Thước chi trả.

Khu vực tái định cư nằm trên mặt bằng rộng, an toàn và không sát núi, có nhiều cây xanh. Khi lựa chọn địa điểm này, địa phương chú trọng đến yếu tố: cách vị trí khu dân cư hiện tại chưa đầy 1km, có địa thế bằng phẳng, thuận lợi về giao thông. Sau khi các hộ dân được di dời, khoảng cách từ nơi ở mới đến khu sản xuất, chăn nuôi không quá xa.

Đặc biệt, các hộ sau khi chuyển đến nơi ở mới sẽ đảm bảo an toàn, có đầy đủ hạ tầng thiết yếu từ điện, nước, đường bê tông, nhà văn hóa... đồng bộ.

Cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư được đầu tư hệ thống nước cấp nước, thoát nước, đường, điện và cầu, sân bóng, gần nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như giải trí cho bà con.

Hiện tại để sang khu tái định cư, người dân thôn La Ca phải di chuyển qua cây cầu treo bằng gỗ đã xây dựng nhiều năm, xuống cấp. Ban Quản lý Dự án và địa phương đang khẩn trương thực hiện các phương án, để thời gian tới sẽ khởi công xây dựng cầu bê tông, kiên cố cho bà con qua lại. Cây cầu mới có tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Đường giao thông từ cầu vào khu tái dịnh cư sẽ được mở rộng, trải bê tông.

Những yếu tố này là cơ sở để các hộ dân yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống; thôn La Ca có thêm cơ sở, điều kiện để tập trung xây dựng thôn kiểu mẫu. Dự kiến cuối năm 2024 khu tái định cư sẽ được bàn giao cho các hộ dân.

Việc rời xa nơi gia đình mình gắn bó nhiều thế hệ là việc khó khăn đối với người dân thôn La Ca. Vì vậy, để nhân dân thôn La Ca đều đồng lòng, ủng hộ việc di dời, ổn định cuộc sống. Bên cạnh công tác lập quy hoạch, đảm bảo pháp lý cùng các cấp có thẩm quyền, chính quyền xã Cổ Lũng thường xuyên làm công tác tuyên truyền, thuyết phục bà con về tiềm ẩn nguy hiểm do sạt lở có thể mang đến, phương án sản xuất khi tái định cư, động viên tinh thần…

Qua sự tuyên truyền, bà con nhận thấy được những lợi ích, thấy mình được thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đến nay, 100% hộ dân nằm nần khu vực sạt lở đều nhất trí di dời.