Phẩm cách quốc gia, Phẩm cách phụ nữ, Phẩm cách cha mẹ là 3 cuốn sách mới khi ra mắt như một hiệu ứng dây chuyền và làm cho dư luận Nhật Bản nổi sóng một thời gian dài.

Phẩm cách quốc gia, Phẩm cách phụ nữ, Phẩm cách cha mẹ - 3 tác phẩm đều chia sẻ một từ khóa chung gợi rất nhiều liên tưởng là "phẩm cách".

Phẩm cách quốc gia - cuốn sách hấp dẫn vì cách đặt vấn đề táo bạo. Tác giả của Phẩm cách quốc gia là giáo sư Fujiwara Masahiko, một nhà toán học có tiếng ở Nhật và đã từng giảng dạy toán học nhiều năm ở Anh, Mỹ.

Trong cuốn sách mà ông tự nhận là "cuốn sách vô cùng hiếm hoi bàn về quốc gia có phẩm cách được viết ra bởi một tác giả không có phẩm cách", xuất phát từ sự nghi ngờ sức sống của tinh thần lý tính, logic xuất phát từ phương Tây trong đời sống xã hội Nhật Bản, ông đã xem xét lại những mệnh đề vốn được coi mặc nhiên là hoàn toàn đúng đắn du nhập từ Âu Mỹ.

{keywords}
 Độc giả Việt Nam khi đọc “bộ ba phẩm cách” này chắc hẳn sẽ có rất nhiều suy ngẫm và liên tưởng thú vị xuất phát từ những sự tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.


Trên cơ sở đó ông cho rằng "Nếu chỉ có logic thì thế giới sẽ phá sản". Đi xa hơn ông cũng đặt ra những câu hỏi lớn cho các những khái niệm như "Tự do", "Bình đẳng", "Dân chủ"…

Giáo sư Fujiwara Masahiko cũng cho rằng, để bổ sung khiếm khuyết của logic và làm cho nó hoàn hảo thì cần tới "cảm xúc" và "hình thức". Hai thứ đó có mặt trong cảm xúc mỹ học của người Nhật và võ sĩ đạo, những thứ thuộc về thế giới tinh thần của người Nhật.

Đấy có thể là sự cảm thụ sâu sắc và tinh tế của người Nhật trước thiên nhiên xuất phát từ cái nhìn vô thường hoặc cũng có thể là cảm xúc nhớ thương quê hương.

Ông đánh giá cao võ sĩ đạo và tình yêu tổ quốc trong việc phục hồi "phẩm cách quốc gia" vốn bị mai một sau Chiến tranh thế giới thứ hai vì sự lẫn lộn giữa "chủ nghĩa dân tộc" và "lòng yêu nước" đi kèm với các cuộc chiến tranh đẫm máu.

Cùng với văn hóa, truyền thống dân tộc, ông cho rằng muốn có quốc gia có phẩm cách thật sự thì phải có các thiên tài. Ông đã từng viết nhiều cuốn sách về tuổi trẻ và cuộc đời của các thiên tài toán học vì vậy, trong cuốn sách này ông đã rút ra ba điều kiện để có thiên tài.

Thứ nhất là phải có "sự tồn tại của cái đẹp". Thứ hai là phải có "tấm lòng ngưỡng vọng" (tự nhiên và sự bí ẩn).Thứ ba là phải có "môi trường tinh thần" (coi trọng truyền thống và những gì "không có ích ngay").

Cuốn sách sau khi xuất bản đã tạo ra một làn sóng tranh luận sôi nổi và chỉ trong vòng hơn 6 tháng kể từ ngày phát hành, sách đã bán được 2, 65 triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Từ "phẩm cách" sau đó đã trở thành một từ khóa phổ biến trong xã hội, được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông và năm 2006 được bình chọn là "từ thông dụng nhất" trong năm.

Phẩm cách phụ nữ - cuốn sách tái định vị lại người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Tác giả của Phẩm cách phụ nữ là Bando Mariko - một nhân vật có tiếng tăm ở Nhật Bản khi hoàn thành xuất sắc cả việc công và việc tư cũng như có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. 

Chính vì vậy Phẩm cách phụ nữ là cuốn sách không chỉ có lý luận thuần túy. Ở đó ngồn ngộn chất liệu của thực tế và những câu chuyện có thật. Theo như lời tâm sự của Bando Mariko trong Lời nói đầu thì bà viết cuốn sách này xuất phát từ ảnh hưởng của cuốn Phẩm cách quốc gia.

Bà tán thành việc đặt ra vấn đề phải xây dựng một quốc gia có phẩm cách nhưng theo bà thì "…tiền đề của quốc gia có phẩm cách là sự tồn tại của các cá nhân có phẩm cách. Khi từng cá nhân có phẩm cách sẽ tạo ra gia đình có phẩm cách, doanh nghiệp có phẩm cách và xã hội có phẩm cách. Bởi vậy cá nhân có phẩm cách là điều kiện tiên quyết".

Xuất phát từ tư duy đó, trong cuốn sách, từ thực tiễn và các lý luận về giáo dục phụ nữ, bà phác ra hình ảnh của người phụ nữ có "phẩm cách" và cách thức để có thể trở thành những người như thế từ ăn, mặc, đi lại, cư xử xã giao, tới làm việc và cao nhất là xây dựng cho bản thân lẽ sống.

Độc giả có thể thấy ở đây một cái nhìn kết nối giữa hình ảnh người phụ nữ truyền thống và hiện đại trong xã hội Nhật Bản. Cuốn sách sau khi ra đời cũng gây được tiếng vang lớn và hiện đã bán được hơn 3 triệu bản.

Phẩm cách cha mẹ - cuốn sách không chỉ bàn chuyện giáo dục con cái, đây là tác phẩm được Bando Mariko công bố sau khi tác phẩm Phẩm cách phụ nữ thu được thành công vang dội.

Không giống như các cuốn sách về giáo dục gia đình khác chủ yếu tập trung vào các nguyên lý và kỹ thuật nuôi dạy con cái, trong cuốn sách này xuất phát từ mệnh đề đã được trình bày ở trên là kiến tạo quốc gia có phẩm cách nhờ vào những người có phẩm cách, cuốn sách chủ yếu bàn về tư thế, tâm thế và lẽ sống cần có của các bậc cha mẹ để nuôi dạy nên được những người có phẩm cách.

Ở đó ngoài những lời khuyên hữu ích dành cho cha mẹ khi có con từ lúc mang bầu cho tới tận khi con trưởng thành, đã có gia đình riêng còn có những luận bàn mang tính triết học về ý nghĩa của nhân sinh, về ý nghĩa của việc làm cha mẹ.

Đặc biệt, cuốn sách còn nói về nhiệm vụ "di truyền xã hội" - cha mẹ phải biết cách để lại giá trị tinh thần cho các thế hệ đi sau thông qua việc đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm và giá trị sống thay vì chỉ để lại tài sản cho con và những người thân.

Tình Lê