- Qua nhiều đời lãnh đạo tỷ phú, nền kinh tế Ukraine vẫn ngập chìm trong gánh nặng nợ trong nước và nước ngoài. Những khó khăn nội tại khiến khủng hoảng kinh tế ở Ukraina ngày càng trở nên trầm trọng.
Tỷ phú thay nhau nắm quyền
Rất nhiều nhà lãnh đạo Ukraina đều có một điểm chung. Họ đều đến với con đường chính trị từ điểm xuất phát là một tỷ phú. Có thể kể ra những cái tên như Tymoshenko, Yanukovych và mới nhất là Poroshenko.
Với mái tóc vàng tết kiểu cổ điển cùng nụ cười thường trực, "nữ hoàng khí đốt" - Yulia Tymoshenko đã hai lần trở thành thủ tướng Ukraina. Lần đầu tiên là từ tháng 1-9/2005, lần thứ hai từ tháng 12/2007- 3/2010.
Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, Yulia Tymoshenko từng là một nữ doanh nhân thành công nhưng cũng gây rất nhiều tranh cãi trong ngành công nghiệp khí đốt. Bà là một trong số những người giàu nhất Ukraina.
"Nữ hoàng khí đốt" hay còn gọi là "Tỷ phú tóc tết" Tymoshenko (ảnh trên, bên phải). "Vua sôcôla" Poroshenko (ảnh trên, bên trái). Nguyên tổng thống Yanukovych cũng nổi tiếng với cuộc sống xa xỉ (ảnh dưới). |
Không chỉ có biệt danh "nữ hoàng khí đốt", Tymoshenko còn được biết đến với tên gọi “Người phụ nữ 7 tỷ USD”. Sự giàu có và chịu chơi của nữ chính khách này khiến nhiều tỷ phú khác phải "ngả mũ". Đi đâu bà cũng dẫn theo một tiểu đội vệ sĩ vốn là lính đặc nhiệm. Có lần, máy bay của một trong số bốn công ty hàng không của bà chở một nhà văn từ Moscow đến Dnipropetrovsk để dùng cơm trưa với nữ tỷ phú rồi lại bay trở lại Moscow ngay trong chiều hôm đó.
Tymoshenko từng là ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraina năm 2010, tuy nhiên bà đã thất cử trước Viktor Yanukovych.
Tương tự như Tymochenko, Yanukovych - từng một lần nắm giữ cương vị thủ tướng (11/2002-12/2004) và một lần giữ cương vị tổng thống Ukraina (2/2010-2/2014) - cũng là một tỷ phú nổi tiếng với cuộc sống xa xỉ.
Ông sống trong tư dinh thự ở ngoại ô Kiev rộng 140ha. Chỉ riêng mùa xuân năm 2010, ông đã chi mua 53 triệu USD cho các loại đèn thắp sáng. Dinh thự của Yanukovych có đầy đủ nhà tắm hơi, khu tập thể thao, sở thú riêng, máy bay trực thăng, sân đậu trực thăng, du thuyền. Ngoài ra, trong dinh thự còn có một nhà vệ sinh dát vàng, một chiến thuyền cổ kiểu Tây Ban Nha kích cỡ thật.
Không những thế ga-ra của Yanukovych còn được ví như "một từ điển về xe hơi siêu sang” với tổng cộng hơn 70 xe hơi và mô tô siêu sang các loại. Đa phần đều thuộc vào hàng đắt và hiếm nhất, đến từ những hiệu xe hơi xa xỉ như Bentley, Rolls-Royce, Mercedes-Benz... Các xe kiểu limousine cổ sản xuất ở Đông Âu cũng có mặt trong gara cùng với nhiều chiếc mô-tô phân khối lớn đắt tiền.
Một phần trong bộ sưu tập siêu xe của Yanukovych |
Sau nhiều tháng bất ổn, trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 25/5/2014, "nữ hoàng khí đốt" Tymoshenko và "tỷ phú sôcôla" Poroshenko là hai ứng cử viên sáng giá nhất. Và kết quả là "ông hoàng bánh kẹo" đã giành chiến thắng áp đảo.
Trước khi là một chính trị gia, tổng thống Poroshenko là một doanh nhân nổi tiếng ở Ukraina với tổng tài sản là 1,3 tỷ đô. Poroshenko có biệt danh “vua sôcôla” vì ông là chủ doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chocolate Roshen nổi tiếng nhất Ukraina. Ông trở nên giàu có nhờ tận dụng thời cơ khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Ukraina vẫn chìm trong khủng hoảng
Qua nhiều đời tỷ phú lãnh đạo, kinh tế, chính trị của Ukraina vẫn luôn ở trong tình trạng bất ổn. Liên minh châu Âu và Nga đều cố lôi kéo Ukraina vào những thỏa thuận thương mại độc quyền, cộng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã khiến cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ukraina ngày càng trở nên trầm trọng.
Tổng sản lượng trong nước của Ukraina giảm chỉ còn xuống dưới 50%, ngân sách nước này tổn thất 10 tỷ USD. Tổn thất của ngân sách dẫn đến tình trạng nợ lương công nhân, nợ tiền hưu trí... Hệ quả trực tiếp là đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Để tránh khỏi đà trượt dốc kinh tế, khi còn đương nhiệm, tổng thống Yanukovych đã chấp nhận gói cứu trợ 15 tỷ USD từ phía Nga. Tuy nhiên, gói cứu trợ này mới chỉ được giải ngân 3 tỷ USD. Sau khi Yanukovych bị phế truất khiến tình hình giải ngân bị ngừng do Nga không làm việc với chính phủ lâm thời của Ukraina.
Châu Âu và Mỹ thì tỏ ý sẵn sàng viện trợ tài chính cho Ukraina nhưng với điều kiện ngặt nghèo bao gồm cắt giảm trợ cấp năng lượng, cắt giảm chi tiêu của chính phủ và kiểm soát tham nhũng. Những điều kiện phương Tây đưa ra là nhằm làm giảm sức mạnh các lĩnh vực kinh tế có kết nối với Nga từ thời Xô viết.
Trong khi Ukraina đang đứng trước ngã ba đường, nền kinh tế Ukraine chìm ngập trong gánh nặng nợ trong nước và nước ngoài thì nên kinh tế Ukraine bị tổ chức xếp hạng tín dụng S&P đánh giá là có thể bị vỡ nợ. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch cũng nhận định, Ukraine có nguy cơ vỡ nợ cao và cũng giảm mức tín nhiệm xuống mức thấp nhất. Ukraina sẽ chưa thể bước ra khỏi khủng hoảng trong thời gian tới.
Nhị Anh