{keywords}
 

Google đối mặt với nhiều thách thức pháp lý trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu. Ủy ban Châu Âu (EC) đã phạt gã khổng lồ này hàng tỷ USD trong ba vụ kiện khác nhau và đều bị Google kháng cáo. Trong mọi trường hợp, công ty tìm kiếm lớn nhất thế giới phủ nhận hành vi sai trái và duy trì quan điểm họ đưa ra lựa chọn nhằm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Từ năm 2010, EU mở ba cuộc điều tra chống độc quyền khác nhau nhằm vào Google, liên quan tới Google Shopping, Google AdSense và Android, dẫn đến ba án phạt gần chục tỷ USD. Đồng thời, Google phải điều chỉnh hành vi nhằm tuân thủ yêu cầu của nhà chức trách.

Ngày 10/10/2010, EC chính thức điều tra hành vi của Google theo Điều 9 Quy định 1/2003 sau khi nhận khiếu nại của Tổ chức ICOMP và một số công ty khác. Họ khiếu nại Google thay đổi thuật toán Universal Search để quảng bá sản phẩm của Google Shopping trên trang kết quả tìm kiếm, hạ thứ bậc của đối thủ. Vì thế, họ cho rằng Google phân biệt đối xử, phản cạnh tranh thông qua cách trình bày kết quả tìm kiếm, tước đi của người dùng khả năng chọn lựa sản phẩm, dịch vụ.

Ngày 27/6/2017, Google bị kết tội và bị phạt 2,4 tỷ EUR (2,7 tỷ USD), là mức phạt lớn nhất đối với một vụ lạm dụng độc quyền thời điểm ấy. Google phủ nhận cáo buộc và tuyên bố dịch vụ của họ đã giúp nền kinh tế số của khu vực tăng trưởng. Mức phạt tương đương 2,5% doanh thu 2016 của Google. Hiện tại, công ty trong quá trình kháng cáo, muốn giảm nhẹ hoặc lật lại hình phạt.

Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh EU (EUCC) quyết định giám sát thuật toán PageRank của Google. Google có trách nhiệm báo cáo với EUCC mỗi 4 tháng. Sau khi bị phạt, Google đã tách dịch vụ mua sắm Google Shopping thành công ty riêng, hoạt động độc lập.

Một năm sau, EC tiếp tục phạt Google vì ép các nhà sản xuất thiết bị (OEM) Android cài đặt Google Search và bộ ứng dụng Android. EC điều tra Google dựa trên hai đơn kiện, một từ FairSearch, một từ Aptoide. FairSearch là liên mình thành lập năm 2010, ban đầu bao gồm những trang web liên quan tới du lịch như Expedia, TripAdvisor, sau đó có thêm một số tên tuổi lớn như Microsoft, Nokia, Oracle. Tháng 4/2013, họ nộp đơn kiện lên EU, tố cáo hành vi của Google với hệ điều hành Android vi phạm luật chống cạnh tranh của EU. Trong khi đó, đơn kiện của Aptoide nộp vào tháng 6/2014. Aptoide là chợ ứng dụng Android, cạnh tranh với Play Store của Google. Aptoide nhấn mạnh cách tiếp cận của Google khiến các dịch vụ như họ rất khó được cài đặt trên thiết bị của người dùng. Bên cạnh đó, một số thành phần từng thuộc Dự án nguồn mở Android lại được chuyển sang bộ dịch vụ Google, bao gồm Gmail, Google Maps và Play Store.

Vì vậy, ngày 15/4/2015, EC bắt đầu điều tra Google dựa trên hai đơn kiện nói trên. Google phản bác rằng những gì họ làm với Android không khác gì những gì Apple, Microsoft làm với iOS và Windows Phone. Các nhà sản xuất thiết bị vẫn có thể phát hành điện thoại Android mà không cần bộ ứng dụng Google.

Ngày 19/7/2018, EU tuyên phạt Google 4,3 tỷ EUR (5 tỷ USD). Google kháng cáo vào tháng 10/2018. Theo người phát ngôn công ty, Android tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người dùng. Cho đến nay, đây là mức phạt lớn nhất của EU đối với một công ty vì hành vi phản cạnh tranh. Google đã thay đổi cách phân phối ứng dụng tại EU, tính phí truy cập Play Store của các OEM, đổi lại OEM không còn phải cài đặt Google Search và Google Chrome. Tháng 3/2019, Google cho biết người dùng Android châu Âu có thể chọn trình duyệt và công cụ tìm kiếm họ muốn dùng trên thiết bị.

Gần đây nhất, tháng 3/2019, EU phạt Google 1,49 tỷ EUR (1,7 tỷ USD) vì cản trở cạnh tranh trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Ủy ban cho biết Google đặt hợp đồng độc quyền với chủ website, ngăn họ không được hợp tác với đối thủ của Google. Vụ điều tra liên quan tới các hộp tìm kiếm nhúng trên website và quảng cáo hiển thị do Google trung gian. Những quảng cáo này do Google AdSense for Search cung cấp. Đây là bộ phận thuộc Google, cho phép website và ứng dụng kiếm tiền từ quảng cáo tìm kiếm.

Điều khoản của Google với chủ website thay đổi theo thời gian, từ điều khoản độc quyền năm 2006 tới “độc quyền linh hoạt” vài năm sau. Song nhà chức trách EU vẫn tin rằng nó gây thiệt hại tới cạnh tranh và cho phép Google kiểm soát cách hiển thị quảng cáo tìm kiếm của đối thủ, bao gồm kích thước, màu sắc và phông chữ mà họ sử dụng. Theo Ủy viên cạnh tranh Margrethe Vestager, đây là hành vi phạm pháp chiếu theo luật EU. Hành vi đó đã kéo dài hơn 10 năm và tước đi khả năng cạnh tranh, đổi mới của hãng khác cũng như lợi ích của người dùng.

Google ngừng sử dụng điều khoản hợp đồng độc quyền từ năm 2016 chỉ sau khi EC đưa ra tuyên bố phản đối chính thức. Tháng 6/2019, công ty tuyên bố kháng cáo.

Dù vậy, ba án phạt kể trên dường như không “xi nhê” gì với Google. Cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ Google, vẫn tăng trưởng gần 30% trong năm 2020. Các nhà đầu tư dường như đã quen với sự giám sát của các nước với Google. Chưa kể, quá trình pháp lý kéo dài cũng khiến nhà chức trách mệt mỏi. Hiệu quả mà án phạt mang lại không rõ ràng. Chẳng hạn, dù đã thực hiện thay đổi trên Google Shopping, chưa tới 1% lưu lượng truy cập dịch vụ được chuyển sang các website mua sắm khác. Do đó, EC chuẩn bị cải tổ quy định kỹ thuật số, liên quan tới mô hình kinh doanh của các công ty như Google. Họ muốn Big Tech chịu trách nhiệm nhiều hơn với nội dung trên các nền tảng và bảo đảm đối thủ có cơ hội cạnh tranh với các ông lớn. Nó được kỳ vọng tạo ra thay đổi lớn trong thực hành kinh doanh, thậm chí là mô hình kinh doanh của Big Tech.

Giáo sư Luật Ioannis Kokkoris đến từ Đại học Queen Mary nhận định đây là động thái cho thấy EU muốn củng cố vị trí lãnh đạo trong thực thi quy định trên thị trường công nghệ. Nhiều cơ quan cạnh tranh quốc gia khác sẽ làm theo họ. Trong khi đó, Alec Burnside – đối tác của hãng luật Dechert – cho rằng đề xuất mới của EU phản ánh chính phủ ngày càng công nhận phải có quyền lực mới để đối phó với các gã khổng lồ công nghệ.

Về phần mình, Google hay hãng khác có thể sử dụng quy trình pháp lý để tô đậm tác động tiêu cực của quy định với đổi mới và nền kinh tế chung, khiến cho quy định cuối cùng bớt nghiêm khắc hơn so với đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, ngoài vận động hành lang, họ không thể làm gì khác để ngăn cản quy định mới trong ngắn hạn.

Du Lam (Tổng hợp)

‘Chúng tôi đều sợ Google và Apple’

‘Chúng tôi đều sợ Google và Apple’

Các nhà sản xuất ứng dụng phụ thuộc vào chợ của Apple, Google bày tỏ sự sợ hãi trước quyền lực của hai gã khổng lồ này với việc kinh doanh của họ.