Kỹ thuật nuôi những loài "đoản thọ" này rất đơn giản, cần ít vốn, chúng cũng ít bị dịch bệnh, không cần diện tích rộng và cho thời gian thu hoạch nhanh.
Dế
Đầu tiên phải kể đến là loài dế. Hiện nay, đầu ra của dế hiện rất ổn định. Dế to được bán cho các nhà hàng, quán nhậu làm thực phẩm. Còn loại dế nhỏ hơn được bán làm mồi câu cá và thức ăn cho chim cảnh.
Trung bình, 1kg dế thương phẩm có khoảng từ 900 - 1.000 con, được bán với giá 100.000 đồng - 200.000 đồng/1kg.
Nuôi dế giúp người dân phát tài |
Trứng dế cũng là mặt hàng "hái ra tiền" trên thị trường. Với mỗi khay trứng dế, người nuôi có thể thu về khoảng 5kg dế thương phẩm, có giá từ 70.000 - 80.000 đồng.
Anh Lê Văn Cảnh ở Thôn 4, xã Tân Thượng (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mặc dù công việc kinh doanh hàng công nghệ khá thuận lợi, nhưng hơn hai năm nay anh đã quyết định từ bỏ nghề, bỏ chức giám đốc chuyển sang mô hình nuôi 3 loại dế thương phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định.
Anh Cảnh cho biết, tại địa phương, dế có giá bán 200.000 đồng/kg, dế cơm dao động từ 1,3 - 1,7 triệu đồng/kg.
Trứng dế ngày cuối trước khi nở thành con |
"Dế thường được dùng để làm thức ăn, nếu dành cho người ăn cần phải đạt tiêu chuẩn về trọng lượng, dinh dưỡng, nên mật độ nuôi thưa hơn so với dế cung cấp cho người nuôi chim, cá cảnh, làm mồi câu cá.
Thịt dế là một thực phẩm không những sạch mà còn giàu dinh dưỡng protein, sắt, kẽm... và độ an toàn rất cao vì dế luôn luôn ăn các loại rau, cỏ sạch.
Các món ăn đặc trưng được chế biến từ dế như: Bột dế, gỏi dế, dế chiên giòn, dế tẩm bột, dế xào... dùng ăn kèm với các loại bánh tráng, rau sống và nhận giao hàng trên địa bàn Di Linh, với giá bán dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Dế có thời gian sinh trưởng ngắn và chỉ mất từ 40 - 45 ngày là thu hoạch dế thương phẩm" - anh Lê Văn Cảnh cho biết.
Qua thời gian nuôi, anh Lê Văn Cảnh nhận thấy, ngoài kinh nghiệm, yếu tố khí hậu thì chế độ ăn uống cho dế rất quan trọng, bởi dế thường ăn các loại thức ăn sạch; rau, cây cỏ không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
Thịt dế là món ăn rất tốt cho đường ruột
Ruồi lính đen
Bên cạnh dế, ruồi lính đen cũng là loài côn trùng "chết sớm" được rất nhiều người Việt chọn nuôi vì trứng của chúng có giá lên tới 20 triệu đồng/kg.
Việc nuôi ruồi lính đen lấy trứng có thể mang lại thu nhập khá ổn định cho các hộ dân. Trứng của chúng sau khi nở thành nhộng chính là loại thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi. Mỗi con ruồi lính đen sẽ đẻ tầm 500-700 trứng. Sau khi thu hoạch, trứng ruồi sẽ được ủ để nở thành ấu trùng.
Nuôi ruồi lính đen lấy trứng có thể mang lại thu nhập khá ổn định cho các hộ dân
Loài ruồi này còn được sử dụng để xử lý chất thải trong nông nghiệp. Ruồi lính đen sau khi đẻ trứng sẽ chết, không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Thức ăn của chúng chủ yếu là bã sắn, các loại rau, củ, quả phế phẩm… Vòng đời của ruồi lính đen chỉ khoảng 30 - 45 ngày.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) là một minh chứng cho việc nuôi loài ruồi chết quá sớm nhưng lại kiếm bộn tiền. Chưa đầy 1 năm, bầy ruồi lính đen đã mang về thu nhập mỗi tháng bình quân hàng chục triệu đồng cho ông.
"Lúc đầu nghe về nuôi ruồi thì có vẻ ngạc nhiên, nhưng khi bắt tay vào tìm tòi thì mới thấy cái hay của nó. Ruồi lính đen rất thú vị vì nó có nhiều lợi ích mang tính xã hội hóa cao. Nuôi ruồi lính đen sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường vì thức ăn chủ yếu của chúng là các loại rau củ quả hư, thức ăn thừa, rác thải sinh hoạt...", ông Hùng chia sẻ với Dân Việt.
Chưa đầy 1 năm, ruồi lính đen có thể mang về thu nhập mỗi tháng bình quân hàng chục triệu đồng
Theo ông Hùng, sản phẩm có giá trị nhất từ quy trình nuôi ruồi lính đen là trứng ruồi. Trứng ruồi lính đen hiện bán ra thị trường với giá trung bình từ 25 - 30 triệu đồng/kg. Hiện mỗi ngày, đàn ruồi lính đen của gia đình ông đẻ sòn sòn khoảng 2 - 3 lạng trứng đem về thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng mỗi ngày.
Ông Hùng phân tích thêm, ấu trùng từ ruồi lính đen cũng rất hữu ích khi làm thức ăn trong chăn nuôi. Ấu trùng (dòi) của ruồi lính đen là loại côn trùng phàm ăn trong thế giới tự nhiên. Thành phần của ấu trùng ruồi: 42% protein, 34% chất béo.
Đặc biệt, protein của ấu trùng ruồi rất giàu lysine; trong chất béo của ấu trùng ruồi đen có tới 54% là axit lauric, một axit có tác dụng tiêu diệt virus có vỏ bọc bằng lipid.
Bươm bướm
Bướm (hay còn gọi bươm bướm) là loài côn trùng đặc biệt, chúng thu hút sự chú ý của con người bởi những đôi cánh sặc sỡ sắc màu, tung tăng bay lượn, tạo nên một bức tranh sống động, tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Ngoài dế, ruồi lính đen, bướm cũng là loài có vòng đời siêu ngắn ngủi nhưng giá trị kinh tế lại vô cùng "đáng gờm". Quá trình sinh trưởng và phát triển của loài bướm chỉ kéo dài trong khoảng 30-37 ngày.
Bướm trưởng thành có thể sống từ một tuần đến gần một năm tùy vào loài và điều kiện, môi trường sống. Sau khi chết đi, xác của chúng chỉ có thể dùng làm tiêu bản.
Bướm là loài có vòng đời siêu ngắn ngủi nhưng giá trị kinh tế lại vô cùng "đáng gờm"
Nghề nuôi bướm không chỉ nhàn mà còn giúp bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn giống loài, mang lại giá trị kinh tế, du lịch cao. Bướm được sử dụng để tạo ra các bức tranh bướm nghệ thuật và xuất khẩu.
Một đôi bướm nữ hoàng, bướm vua loại 1 trong hộp kính xuất khẩu có giá dao động 5-7 USD (112.000 đồng - 157.000 đồng).
Theo anh Nguyễn Trọng Thắng (SN 1967, chủ cơ sở tranh bướm Minh Nhật, xã Lộc Châu, tỉnh Lâm Đồng), bướm Việt Nam rất phong phú và có nhiều loài đặc biệt giá trị mà nhiều quốc gia khác không có.
Tại trang trại của anh, có những con bướm màu sắc lạ, được người sưu tầm mua giá cả triệu đồng. Có những con rất lạ, đẹp, mà anh bắt được chỉ duy nhất một lần, gần 20 năm không gặp lại con thứ hai, anh không bán mà giữ để làm bộ sưu tập.
Những loại bướm quý được anh liệt kê bao gồm: bướm lá khô, bướm cánh diều, bướm vua (bướm quân vương), bướm hoàng hậu, bướm bích ngọc, bướm đuôi công,...
Những con bướm khô được giữ nguyên màu sắc tươi mới
Bướm là loài côn trùng dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, mà hiệu quả cao, tuy có chút công phu. Ngoài việc bán trứng bướm, ấu trùng bướm và bướm giống, anh Thắng tập trung vào việc tạo nên các bức tranh bướm nghệ thuật xuất khẩu trong nước và quốc tế, bởi vòng đời của loài bướm rất ngắn ngủi, việc sinh sôi của loài bướm dễ dàng.
Những bức tranh bướm độc đáo
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
Đặc sản 'hiếm có khó tìm' kỳ dị như gián, giá bạc triệu chỉ dám ăn nửa con
Tuy có vẻ ngoài xấu xí khiến thực khách dè chừng nhưng loài côn trùng "hiếm có khó tìm" này lại trở thành đặc sản lạ miệng với giá thành lên tới vài triệu đồng/kg.