- Trước thông tin về sự cố hạt nhân tại Nhật Bản và hình ảnh đám mây phóng xạ di chuyển đến nước ta, nhiều người dân không khỏi lo lắng, vội vàng tìm cách ứng phó.
“Hoảng” vì mây phóng xạ
Sau những thông tin mây phóng xạ đến Việt Nam, nhiều người đã không giấu nổi những lo lắng.
Mặc dù các chuyên gia đã nhận định hàm lượng phóng xạ thấp hơn nhiều so với giới hạn mức độ gây hại tới sức khoẻ con người, nhưng do tâm lý cẩn thận, nhiều gia đình ở nông thôn vẫn tỏ ra rất hoang mang.
“Bị nhiễm phóng xạ thì kinh khủng. Em có một người cô họ hàng bị nhiễm phóng xạ vụ Chernobyl..., bản thân cô thì ko sao nhưng mà đời sau thì ảnh hưởng... nói chung là sợ lắm” - bạn có nick hoanghon… tâm sự.
Trong khi đó, thành viên khonggihet… lại hoang mang với những thông tin mà cộng đồng mạng chia sẻ: “Thế là thế nào nhỉ, nghe mà thấy hoang mang... Dù thế nào đi nữa thì cũng mong sự cố ở Nhật được xử lý dứt khoát”.
Kiểm tra nồng độ phóng xạ tại làng Namie cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 30km, ngày 26/3/2011 (Ảnh: Dân Trí) |
Cùng với những tin đồn về mây phóng xạ, mưa a xit trước đó, nhiều ông bố, bà mẹ cũng hoảng sợ không kém. Không chỉ các vị phụ huynh, tại một số trường học, các thầy cô giáo cũng lo ngại tin đồn trên có thật.
“Nghe mây phóng xạ đã đến tới Quảng Ninh, rồi Hà Nội, vợ chồng tôi lo lắm. Nhà có hai con nhỏ, chưa biết biết nồng độ phóng xạ cao thấp thế nào nhưng hai vợ chồng cũng không dám cho các cháu ra ngoài” - chị Thanh ở KĐT Mỹ Đình II cho biết.
Trả lời báo chí, PGS - TS Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết thêm, nếu trời mưa, lượng phóng xạ sẽ rơi xuống đất nhanh hơn, nhưng nếu thời tiết nắng, con người sẽ dễ hít phải phóng xạ hơn.
"Theo tính toán của các nhà khoa học, hiện mức phóng xạ ảnh hưởng đến nước ta rất nhỏ, nên chưa cần phải cảnh báo tới dân chúng".
Dù đọc được thông tin này, nhưng “cẩn tắc vô áy náy”, nhiều người vẫn không an tâm.
Vội vàng lo đối phó
Những thông tin về mây phóng xạ cùng với nỗi sợ ảnh hưởng tới sức khỏe khiến một bộ phận người dân vội vàng ứng phó bằng mọi cách. Rỉ tai nhau đi mua viên i- ốt uống đề phòng, mua máy lọc nước cho an tâm… là những lựa chọn hàng đầu.
“Tôi biết thông tin nước mưa từ những đám mây phóng xạ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân châu Á qua tin nhắn cảnh báo trên yahoo messenger của bạn bè đồng nghiệp gửi đến, sau khi theo dõi các bản tin rồi thấy dự báo mây phóng xạ vào Việt Nam nên đã vội vã tìm kiếm những thông tin liên quan để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình” - anh Quân (Hà Nam) cho hay.
Và sau rất nhiều tính toán, cuối cùng anh quyết định hoàn toàn chuyển sang sử dụng máy lọc nước trong nhà mình.
Cũng giống như gia đình anh Quân, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mua thiết bị lọc nước đủ các chủng loại với sự tư vấn của người bán là có khả năng khử chất phóng xạ. Mặc dù kinh tế không khá giả, nhưng gia đình anh Thắng - một công nhân xây dựng (Duy Tiên- Hà Nam) cũng đã đầu tư mua một bình lọc nước.
Đo mức độ nhiễm xạ của một em bé Nhật Bản |
Anh cho hay: “Tôi được tư vấn là bình lọc tạo khoáng và khử được phóng xạ nhẹ. Cũng chẳng rõ hết quảng cáo đúng được bao nhiêu phần trăm tính năng của bình lọc nhưng có phòng có hơn, tôi vẫn mua về sử dụng cho yên tâm. Không khỏi phóng xạ thì cũng uống nước sạch hơn vì bây giờ khói bụi ô nhiễm nhiều” - anh Thắng giải thích.
Một đại lý cung cấp thiết bị lọc nước tinh khiết ở Bình Lục - Hà Nam cho biết doanh, số bán hàng tại đại lý đã tăng lên đáng kể sau khi có tin mây phóng xạ đang tràn vào Việt Nam, bình thường mỗi tuần chủ hàng này chỉ nhận được từ 5 đến 6 yêu cầu lắp đặt hệ thống lọc nước. Nhưng hiện nay, có ngày tới cả 5 gia đình yêu cầu lắp đặt máy lọc nước.
Mặt hàng đang đắt khách là máy lọc nước tinh khiết Kangaroo giá trung bình trên 3 triệu đồng, tiếp đến là các loại bình lọc tạo khoáng bên cạnh đó nước tinh khiết đóng bình của các thương hiệu tên tuổi như Lavie, Aqua.. cũng đắt hàng không kém.
Đối phó với không khí nhiễm phóng xạ thế nào?
Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc BV Bạch Mai - chuyên gia về y học hạt nhân chia sẻ trên báo Thể thao & Văn hóa: “Tác động đến sức khỏe do bức xạ duy nhất được thấy cho tới nay là sự tăng mạnh ung thư tuyến giáp, đặc biệt đối với trẻ em bị chiếu bởi iốt phóng xạ. Những rủi ro do việc nhiễm xạ nặng có thể giảm thiểu bằng việc uống viên i-ốt trước đó, hạn chế dùng các thực phẩm trong vùng bị nạn, ở trong nhà, sơ tán lâu dài hoặc tạm thời dân chúng khỏi vùng bị nạn.
Còn trả lời Dân Trí, TS Nguyễn Quang Hào, GĐ TT
Hỗ trợ kỹ thuật và ứng phó sự cố (Cục KS&AT bức xạ hạt nhân) cho biết: “Hiện có
hai hình thức nhiễm xạ, đó là nhiễm xạ ngoài (bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bụi
phóng xạ) và nhiễm xạ trong (hít không khí nhiễm phóng xạ hoặc ăn phải thực phẩm
nhiễm phóng xạ).
Để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm xạ ngoài, phải tránh xa nguồn nhiễm xạ, trường hợp
chịu ảnh hưởng thì cố gắng để thời gian bị ảnh hưởng bởi phóng xạ càng ngắn càng
tốt.
Cần che chắn người bằng cách trú ẩn vào các tòa
nhà bằng bêtông, đồng thời đeo khẩu trang, găng tay, không ăn uống các chất
nhiễm phóng xạ.
Khi có sự cố hạt nhận và được yêu cầu bảo vệ bằng cách che chắn, người dân nên
bình tĩnh vào các tòa nhà gần nhất. Cần đóng các cửa sổ, cửa ra vào, rửa tay và
mặt kỹ lưỡng nếu từng ra ngoài, tắt quạt thông gió, quạt sưởi và đặt thức ăn, đồ
uống vào hộp hoặc gói lại. Đặc biệt nên cởi bỏ quần áo nếu đã mặc vì có thể nó
đã nhiễm xạ, quần áo đó cần được buộc chặt vào túi và mang đi tiêu hủy.
Quỳnh Anh- Anh Đức