Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 11 cảng cá; trong đó, 8 cảng được chỉ định đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác với 6 cảng cá loại 2 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ định và 2 cảng cá loại 3 được Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu, Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo chỉ định đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Trước kia chưa có tàu dịch vụ hậu cần bà con đánh bắt trên biển không được lâu ngày, chỉ có thể đi trên biển thời gian rất ngắn do ít nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Những chuyến biển chỉ có thể đi 10 ngày trở lại là phải vào bờ. Từ khi có đội tàu dịch vụ hậu cần cung cấp nhu yếu phẩm, nhiên liệu, đá cây và thu mua hải sản ngay trên biển đã giúp bà con kéo dài chuyến biển lên 2-3 tháng, giảm được chi phí nhiên liệu cho 1 chuyến đánh bắt, đảm bảo chất lượng cho thủy sản sau đánh bắt.
Giờ đây có đội tàu dịch vụ hậu cần, ngư dân giảm được chi phí trung gian, chất lượng hải sản được đảm bảo về chất lượng. Đồng thời, tạo sự gắn kết, tương trợ nhau trong sản xuất, giảm bớt các rủi ro trên biển.
Cảng Dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái, xã Phước Hưng, huyện Long Điền đi vào hoạt động từ năm 2015, với diện tích 3ha, có khả năng tiếp nhận tàu cá cùng lúc 20 tàu, có chiều dài từ 24m trở xuống, khu vực neo đậu của cảng có sức chứa được 60 tàu cá. Đây là cảng loại 2 của tỉnh, được đánh giá là cảng cá khang trang, rộng rãi nhất của tỉnh.
Cảng Dịch vụ Hậu cần Thủy sản Hưng Thái được đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, hiện đại, tiên tiến. Chính vì vậy, đã giải quyết được việc nước thải từ bốc dỡ, phân loại, chế biến cá xả thẳng ra biển.
Cảng Hưng Thái còn được đầu tư một nhà máy sản xuất đá, với công suất 3.000 cây đá/ngày, kho chứa dự trữ được 6.000 cây đá để phục vụ các tàu cá chuẩn bị ra khơi; xây dựng các dãy nhà lồng cho các tàu cập cảng bốc dỡ, phân loại, ướp cá và đóng gói để vận chuyển đi xa.
Ngoài ra, cảng Hưng Thái có các khu hoạt động bán ngư lưới cụ, vá lưới, bán hàng hóa thiết yếu, sửa chữa nhỏ phục vụ hậu cần cho các tàu cá khi ra khơi…
Cảng Xí nghiệp đóng sửa tàu thuyền ở phường 5 (TP. Vũng Tàu) được đầu tư xây dựng từ năm 2010 với diện tích khoảng 2,5ha. Nơi đây có khả năng tiếp nhận tàu từ 1.000CV trở xuống, công suất bốc xếp đạt 25.000 tấn hải sản/ngày.
Trong những năm qua, công tác khơi thông luồng lạch ra vào cảng cá được đầu tư thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào bốc dỡ sản phẩm hải sản và tránh trú bão cũng như cung cấp nguyên, nhiên liệu cho tàu cá vươn khơi.
Ngoài cảng Hưng Thái và Cảng Xí nghiệp đóng sửa tàu thuyền, trong địa bản tỉnh còn có cảng Tân Phước và Phước Hiệp. Đây là hai cảng cá đầu mối lớn trên địa bàn huyện Long Điền.
Cảng cá Tân Phước, cầu cảng dài 168m nên chỉ có thể tiếp nhận được từ 7-8 tàu cập cảng một lúc, trong khi tại đây thường xuyên có tới hàng trăm tàu ra vào sửa chữa và lấy nhiên liệu, nên vào mùa đánh bắt cảng luôn trong tình trạng quá tải.
Cảng cá Hiệp Phước, chiều dài cầu cảng 68m, có thể bố trí cho 3- 4 tàu vào một lúc, trong khi nhu cầu neo đậu gấp 5-10 lần.
Tuy nhiên, do được xây dựng từ những năm 1990 nên hiện nay 2 cảng này đã xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải không đủ công suất phục vụ, nên vào cao điểm 2 cảng cá này luôn quá tải, không đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Tại huyện Đất đỏ, cảng cá Lộc An được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2000, với chiều dài cầu cảng 200m, có khả năng chứa gần 1.000 tàu, thuyền trú đậu.
Nhưng hiện nay, luồng lạch vào cảng vẫn chưa được nạo vét khơi thông gây khó khăn cho tàu vào, tàu ra.
Với những lợi thế sẵn có như cơ sở hạ tầng đạt chất lượng, nhiều nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu, trung tâm sản xuất giống và dịch vụ hậu cần…, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung xây dựng trung tâm nghề cá vùng đáp ứng nhu cầu cho toàn bộ các tỉnh khu vực; trong đó, chủ yếu là khai thác, nuôi biển, sản xuất giống, chế biến xuất khẩu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ. Đây là động lực giúp nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy hết thế mạnh, tiềm năng của tỉnh trong tương lai.
Phú Mỹ