Từ thực tế của ngành khai khoáng là dầu thô, khí tự nhiên với trữ lượng có giới hạn và đang có xu hướng giảm dần theo thời gian nên giá trị sản xuất cũng giảm dần, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định mô hình kinh tế tuyến tính ở tỉnh đang hình thành “điểm nghẽn,” ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của địa phương. Nếu không kịp thời chuyển đổi mô hình, điểm nghẽn lớn dần, sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém để khắc phục sau này.

Trước thực trạng này và nhận thấy mô hình kinh tế tuần hoàn (khai thác-sản xuất-sử dụng-tái sử dụng-tái chế- tái sinh) đang được nhiều nước có nền kinh tế phát triển áp dụng, đồng thời là mô hình phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng.

Cuối năm ngoái, tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Ứng dụng kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mô hình nghiên cứu” trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đánh giá về tiềm năng phát triển KTTH, tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh BR-VT, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, BR-VT nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 305km chiều dài bờ biển, diện tích thềm lục địa trên 100.000km2 và nổi tiếng với địa danh Côn Đảo. Đây là tiềm năng to lớn và tiền đề cơ bản để phát triển ngành kinh tế biển. Đặc biệt, tiềm năng và tài nguyên thiên nhiên biển đảo, ven biển, lợi thế về cảng nước sâu và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam bộ, kinh tế của biển liên quan tới khai thác dầu khí, du lịch và bảo tồn thiên nhiên, cảng biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản và các ngành dịch vụ đi kèm.

Đề xuất giải pháp phát triển KTTH tuần hoàn tại BR-VT, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, BR-VT cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng không gian biển trong phạm vi quản lý của tỉnh để tránh chồng chéo, giảm thiểu mẫu thuẫn lợi ích và xung đột trong sử dụng không gian cùng vùng biển giữa các bên liên quan. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút và sàng lọc các dự án đầu tư, ưu tiên cho các dự án “xanh” và các dự án thân thiện với môi trường. Kiểm soát tốt các nguồn thải và xử lý rác thải đổ ra biển, đặc biệt là nhấn chìm vật, chất xuống biển.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần khuyến khích phát triển các ngành/nghề mới thân thiện và thông minh, thành phố thông minh, năng lượng biển đảo tái tạo, nghề cá giải trí, nuôi biển và dịch vụ logistics, dược liệu biển… phát triển KHCN biển và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao.

Các đại biểu đều đánh giá, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương rất quan tâm, quyết liệt và đi đầu triển khai thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian qua. Tỉnh cũng là địa phương hội tụ đủ các mô hình về kinh tế, đô thị, nông thôn, biển đảo, vùng bờ, hải dương để phát triển kinh tế tuần hoàn nên cần thúc đẩy triển khai trong thời gian tới để trở thành điển hình của cả nước.

Thí điểm "Ứng dụng kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững" 

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết tỉnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm chiến lược phát triển bền vững theo chương trình Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11/2021 tại Glasgow (Anh), hiện thực hóa cam kết, mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Tỉnh đã mạnh dạn cho triển khai thí điểm "Ứng dụng kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững" đối với huyện Côn Đảo. Theo đó:

Huyện đoàn Côn Đảo phối hợp với WWF, Momo và các doanh nghiệp du lịch tại địa phương đã thực hiện chương trình “Đổi rác nhựa lấy quà” bắt đầu từ ngày 29/5/2022 tại Nhà văn hoá khu 8 với mục tiêu tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong học sinh, đoàn viên thanh niên và người dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường, giảm sử dụng nhựa một lần, phân loại rác thải theo hướng kinh tế tuần hoàn. Chương trình nhận được phản hồi tốt với đông đảo người dân tham dự, đến nay đã thu gom được hơn 500 kg rác thải nhựa.

Tháng 8/2022, UBND huyện Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và một số đơn vị triển khai “Tuần lễ phát động phong trào thu gom, phân loại, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại nguồn” trên địa bàn huyện Côn Đảo nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa, cùng chung tay hành động vì Môi trường Côn Đảo xanh - sạch - đẹp, hướng tới mục tiêu đưa Côn Đảo trở thành một trong những điểm đến du lịch không rác thải nhựa đầu tiền tại Việt Nam, đồng thời tham gia vào mạng lưới “Đô thị giảm nhựa” toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).

Tháng 9/2022, Hội nghị phổ biến các quy định về quản lý rác thải rắn sinh hoạt và phân loại rác tại nguồn được tổ chức tại Hội trường Khu dân cư số 6 với các nội dung phổ biến một số quy định về phân loại rác tại nguồn, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và các mức xử phạt vi phạm hành chính có liên quan; hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và phương án xử lý rác thải sau phân loại theo định hướng của huyện Côn Đảo; nâng cao kỹ năng tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác thải rắn tại nguồn cho các cán bộ nòng cốt. Việc phân loại rác thành công không chỉ làm giảm phần lớn diện tích chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh mà còn biến rác thành tài nguyên qua việc tái chế, tái sử dụng. Từ đó, góp phần sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên - yếu tố quan trọng hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cho tương lai.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo Lê Văn Phong cho biết Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các viện nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, song song với việc tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các loại thiết bị tiết kiệm nước, phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilong, tổ chức các hoạt động thu gom rác thải đại dương, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà máy xử lý nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu dài hạn, đồng thời nâng cấp hệ thống đường ống dẫn nước chống rò rỉ thất thoát nước.

Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo một mặt sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường.

Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, điều chỉnh về chiến lược, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thể chế hóa các chính sách, công cụ pháp lý để hỗ trợ quá trình này.

Phú Mỹ