Gửi link khuyến mãi giả
Mới đây, đại diện một hệ thống siêu thị ở TPHCM cho biết đang có tình trạng giả mạo trang web, đường link khuyến mãi của siêu thị này để lừa đảo.
Thủ thuật chung của các đối tượng là gửi link có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người dân nhập thông tin đăng nhập trang facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng cá nhân sau đó thủ phạm tiến hành chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân.
Đối với các tài khoản facebook cá nhân, thủ phạm lần lượt nhắn tin danh sách bạn bè để nhờ nạp tiền, chuyển khoản. Đối với các tài khoản ngân hàng, kẻ gian sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền để chiếm đoạt.
Đại diện siêu thị này khẳng định, không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân cần phải bảo mật như mật khẩu facebook, mật khẩu ngân hàng, …. khi mua sắm trên các trang online của mình.
Để bảo đảm an toàn cho khách, các siêu thị thường chỉ yêu cầu khách hàng để lại thông tin liên lạc, như số điện thoại di động, địa chỉ, để chủ động gọi lại cho khách chốt đơn hàng và thời gian giao nhận.
Cay đắng mất cả trăm triệu đồng
Bà Hồ Mai Phi (ở Phạm Hùng, quận 8, TPHCM) đã khiếu nại đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM về việc bị Công ty Truyền thông Hero One (không biết địa chỉ) lừa mua hàng trúng thưởng.
Trong đơn khiếu nại, bà Phi nói mình có mua máy massage 11 đầu qua quảng cáo trên truyền hình và được người xưng là nhân viên của Hero One gọi điện thoại thông báo trúng thưởng tivi 60 inch và tủ lạnh 510 lít. Để được trúng thưởng, họ yêu cầu bà phải mua thêm một số sản phẩm để đủ tiêu chuẩn nhận quà.
Chưa hết, bà Phi còn được một người xưng tên Huy đại diện ban thanh tra công ty mẹ của Hero One bên Hàn Quốc chuyên cung cấp hàng và hỗ trợ cho đối tác tại Việt Nam nói Hero One đã làm sai chính sách nên công ty mẹ ở Hàn Quốc sẽ bồi hoàn cho bà Phi số tiền lên đến 140 triệu đồng. Cùng thời điểm, một người tên Hoàng Dũng xưng là người của Hero One gọi điện thoại báo sẽ chuyển quà cho bà nhưng chờ mãi cũng không thấy quà, tiền.
Sau đó, bà Phi tiếp tục nhận điện thoại từ người tên Tuấn, Quốc An cho hay bà sẽ được nhận số tiền 211 triệu đồng chứ không phải 140 triệu đồng như thông báo trước đó. Để nhận số tiền trên, bà Phi phải mua tiếp vài món hàng nữa cho đủ chỉ tiêu.
Chưa hết, có người khác xưng là nhân viên công ty tivi shop báo tin sẽ tiến hành trao quà cho bà Phi thay cho công ty Hero One. Khi bà hỏi về số tiền 211 triệu đồng thì người này nói không biết.
Phản ánh tới Hội bảo vệ người tiêu dùng, bà Phi cho biết tổng số tiền mua nồi cơm, quạt máy, dầu gội, nhụy hoa nghệ tây... để đạt chỉ tiêu là hơn 200 triệu đồng. Để "moi" thêm tiền khách hàng, "liên minh ma quỷ" tiếp tục gọi điện thoại cho bà Phi hơn 300 cuộc gọi.
Cơ quan chức năng lên tiếng
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 6 năm nay, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục đã nhận được hàng trăm cuộc gọi nhờ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ những vụ việc liên quan đến các chương trình trúng thưởng của các doanh nghiệp, của các kênh quảng cáo trên truyền hình hoặc nhận được những tin nhắn trúng thưởng qua messenger của Facebook…
Đại diện Cục nhấn mạnh, đây là những chiêu trò lừa đảo không mới, tuy nhiên nhiều người tiêu dùng vẫn cả tin trở thành nạn nhân. Hầu hết những hình thức lừa đảo này đều đánh vào lòng tham của người tiêu dùng với số tiền thưởng lớn hoặc lợi dụng sự tin tưởng của người tiêu dùng khi nghe giải thưởng do các công ty có uy tín hay giải thưởng được cấp phép, "gắn mác" các cơ quan chức năng.
Do đó, để tránh rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo, Cục cảnh báo người tiêu dùng phải nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ, "cảnh giác cao độ" với những thông tin trúng thưởng được thông báo.
Đặc biệt, cần lưu ý, tất cả các chương trình khuyến mãi trao thưởng phải được đăng ký và cấp phép tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Sở Công Thương địa phương hoặc Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương (đặc biệt là những chương trình có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên).
Người tiêu dùng có thể vào các cổng thông tin của các cơ quan nêu trên để xác minh các chương trình đã được cấp phép hay chưa...
(Theo Dân Trí)
Dùng chữ ký, con dấu giả lừa tiền trong tài khoản ngân hàng
Kẻ gian dùng con dấu, chữ ký giả của người có thẩm quyền ở công ty tài chính để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản rồi chiếm đoạt tiền.