- Chính vì việc giữ gìn nhân cách như thế cùng với sự dung dị, cao cả trong thơ ca thì ba mới được nể trọng, không chỉ là độc giả và bạn văn tỉnh nhà mà cả nơi khác.
Con nhớ lại cách đây đúng 10 năm, lần đó ba ốm nặng phải nằm viện ở Vinh. Con về công tác ở sân bay Vinh, trực chăm ba đúng vào ngày rằm tháng 9. Chiều theo xe của cơ quan ra Hà Nội, khuya về đến nhà, tờ mờ sáng hôm sau nghe tiếng chuông điện thoại giật mình, Lam báo tin ba đã trút hơi thở cuối cùng.
Nhà thơ "Đêm nay Bác không ngủ" thời trẻ. Ảnh tư liệu |
Thực ra trước đó ba đã rất yếu rồi, bệnh viện cố cứu chữa nhưng cũng chỉ qua khỏi ngày 15 âm lịch mấy tiếng đồng hồ. Sau này con cứ áy náy sao mình không cố ở lại đêm đó, nghe Lam kể đúng 5 h sáng Lam vừa ra ngoài có việc thì ba mất! Cũng phải lâu lâu con mới quen được cảm giác mình đã không còn ba và mẹ nữa (mẹ mất năm 2001), nhất là mỗi khi về nhà C4, phòng 113 ở Quang Trung, vào gian phòng của ba giờ trống trải cả trong tâm tư và thực tại (trước đây ba lưu trữ nhiều sách lắm), có cả hộp đựng thư tình của ba và mẹ gửi cho nhau nữa.
Trước đó ba nói với con: “Tủ sách của ba sẽ trao lại cho Mai hoặc Lam sau khi ba mất”. Rất thương ba vì mãi đến khi sắp mất tỉnh Nghệ An hỗ trợ và ra được tuyển tập thơ văn Minh Huệ mà ba ước ao mãi. Sau 5 năm ba ra đi mới được tặng giải thưởng Nhà nước.
Trong hoài niệm của chúng con, ba và mẹ có tình yêu rất đẹp. Mẹ đã là hình tượng người phụ nữ tần tảo, đảm đang trong thơ ba. Trong bài thơ “Tự hào” ba viết:
“Anh về thăm em dăm bữa
Đêm nắn cổ tay bớt tròn.
Giật mình lòng anh da diết
Em gầy anh lại thương hơn
Đời em bước lên làm mẹ
Có gì trút cả vào con”
Sau này khi mẹ ốm nặng, ba chăm chút từng giấc ngủ, thuốc thang, xoa bóp cho mẹ tận tình mặc dù ba là người đàn ông vụng về, việc nhà đều do mẹ quán xuyến, mặc dù cũng có lúc ba cáu mẹ. Hồi đó hễ chúng con lên thăm mẹ bao giờ cũng thấy ba ra cửa thì thầm: “Mẹ mới ngủ, các con đi nhẹ nói khẽ”. Ba mê bóng đá lắm, nhưng để mẹ yên tĩnh, ba lấy tấm chăn quây tròn cả người và ti vi rồi ngồi xem hình mà không có tiếng, trời mùa hè nóng bức thế mà ba vẫn chịu được.
Những bài thơ của ba trước khi đưa in bao giờ mẹ cũng là độc giả đầu tiên:
“Ơi người bạn đọc đầu tiên
Chỉ có em thấy
Từng giọt máu lòng anh
Kết lại trên mặt giấy”.
Đến khi mẹ mất ba vẫn đinh ninh:
“Nghĩa là em còn sống mãi
Nghĩa là em vĩnh hằng tồn tại trong anh”.
Ở thế hệ của ba và cả sau này nữa có những người đàn ông yêu thương người bạn đời theo nhiều cách nhưng trân trọng, nâng niu như ba thì không nhiều. Con cũng đã từng nghe các cô, chú công tác cùng ba nói như vậy.
Ảnh tư liệu |
Với con cái ba rất nghiêm khắc, thậm chí có phần khắt khe nhưng cũng thật ấm áp. Từ trước đến nay độc giả thường biết đến ba qua bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” chứ ít ai biết ba có cả mảng thơ về gia đình của ba, ở đó có nhiều bài viết về mẹ và chúng con, các cháu thật tình cảm (Tự hào, Trước đạn lửa, Mùa xuân đêm ấy em ơi, Cây đào con gửi lại, Cái đêm con ra đời, Khi con ra cửa nhà, Bi xanh bi hồng…).
Hồi đó ba là Trưởng ty văn hóa Nghệ An rồi Chủ tịch Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh, mẹ là hiệu trưởng cấp II Hưng Lộc. Thế mà cả nhà chỉ có 1 cái xe đạp, ba đi thì thôi mẹ, còn chúng con chỉ hành quân bộ đi học ròng rã nhiều năm trời. Đã có lúc chúng con nói đùa, ba mẹ quá trong sạch nên không để lại cho con cháu tài sản gì đáng giá. Được biết ba không làm chủ tài khoản dù là Chủ tịch Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh, còn mẹ đã từ chối khoản “phết phẩy” khi trường mẹ làm hiệu trưởng xây trụ sở…
Sau này lớn lên có gia đình và già đi con mới nghĩ lại: Chính vì việc giữ gìn nhân cách như thế cùng với sự dung dị, cao cả trong thơ ca thì ba mới được nể trọng, không chỉ là độc giả và bạn văn tỉnh nhà mà cả nơi khác đến nữa. Hầu như giới văn chương ở Trung ương và ngoài tỉnh khi có việc ở Vinh đều tìm đến với ba để đàm đạo, chia sẻ; lãnh đạo tỉnh Nghệ An cơ cấu nhân sự ngành văn hóa đều nghe tư vấn từ ba; khi ba nghỉ hưu nhưng Tết nào UBND tỉnh Nghệ An cũng đến tặng quà tri ân.
Mới đây Thành phố Vinh đã lấy tên ba để đặt tên đường Minh Huệ.
Tất cả những gì ba để lại là niềm tự hào, nể trọng với chúng con mà không phải gia đình nào cũng có được! Đến giờ ba mẹ mất đã 10 năm nhưng 5 anh em chúng con dần trưởng thành, thành đạt và cái được hơn cả là thương yêu, đùm bọc, tôn trọng nhau. Ba mẹ không chỉ dạy bảo chúng con bằng lời nói nghiêm khắc, nhân hậu mà cả chính cuộc đời mẫu mực của chính mình. Chúng con nhớ ba mẹ vô cùng, ba mẹ mãi hiện hữu trong lòng chúng con, dù rằng chúng con đã làm cha, làm mẹ và thành sắp thành bà nội, bà ngoại…
Ba trong hoài niệm của chúng con là như thế, ba ơi!
- Hoàng Mai
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam