"Thực tế là hiện tại Nga có hơn 150.000 quân bao vây Ukraina, ở Belarus và dọc theo biên giới Ukraina", ông Biden phản ánh ngày 15/2 ở Nhà Trắng.
Đến nay, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đã rời khỏi Kiev, và một số hãng hàng không đã hủy hoặc đổi hướng các chuyến bay. Làn sóng sơ tán vội vã xuất phát từ một báo cáo tình báo gần đây của Mỹ rằng Nga có kế hoạch tấn công Ukraina.
Trước tình trạng khủng hoảng không có dấu hiệu giảm bớt, các chuyên gia chỉ ra 3 viễn cảnh có thể xảy ra với Ukraina, theo Yahoo News.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thứ trưởng Quốc phòng Valery Gerasimov. Ảnh: TASS |
Xuống thang
Theo một số chuyên gia, sau khi đạt mục đích gây áp lực tối đa bằng cách tạo lo ngại một cuộc tấn công toàn diện dường như sắp xảy ra, Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục củng cố lợi ích và yêu cầu một số nhượng bộ trước khi từ từ xuống thang căng thẳng. Họ chỉ ra rằng, Tổng thống Putin đã đột ngột chuyển hướng vào ngày 15/2, bật đèn xanh cho một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút một phần quân Nga khỏi vùng biên giới giáp Ukraina.
"Nếu bạn quan sát cuộc gặp trong tuần này giữa Tổng thống Putin và [Ngoại trưởng Nga Sergey] Lavrov, ngôn ngữ cơ thể của họ cho thấy họ muốn xoa dịu căng thẳng và giảm leo thang xuống một mức độ. Tôi cho rằng đây là viễn cảnh hợp lý nhất và có khả năng xảy ra nhất trong tương lai", Yahoo News dẫn lời ông Pavel Podvig, một chuyên gia về Nga và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc.
Kurt Volker, đại diện đặc biệt của Mỹ về đàm phán Ukraina thời chính quyền Donald Trump, cho rằng Tổng thống Putin hiện đang nắm giữ lợi thế.
"Vẫn còn nhiều kịch bản về cách thức cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ diễn ra nhưng ông Putin đã đạt được nhiều mục tiêu của mình”, ông Volker bình luận và đánh giá nhà lãnh đạo Nga đã chứng minh cho Ukraina thấy nước này không có tương lai với NATO.
Chiếm đóng một phần
Với các lực lượng quân sự triển khai xung quanh biên giới Ukraina, Nga cũng có thể tấn công và chiếm các vùng ly khai, nhất là các khu vực có nhiều người nói tiếng Nga.
Khi lãnh đạo Ukraina Viktor Yanukovych bị người biểu tình lật đổ năm 2014, lực lượng quân sự Nga đã giành bán đảo Crưm, nơi Hạm đội Biển Đen đang đóng quân. Người Nga cũng ủng hộ quân nổi dậy ở vùng Donbass phía đông Ukraina trong cuộc xung đột dai dẳng vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 14.000 người.
Hôm 15/2, ông Putin quy trách nhiệm cho Ukraina về tình hình ở Donbass. "Theo quan điểm của chúng tôi, những gì đang xảy ra ở Donbass hiện nay là tội diệt chủng", ông Putin tuyên bố. Cùng ngày, Duma quốc gia Nga đã thúc giục ông Putin công nhận sự độc lập của các khu vực do phe ly khai nắm giữ ở miền đông Ukraina.
Cuộc tấn công gây sốc
Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng Nga bao vây Ukraina là để chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn. Một trong những dấu hiệu lớn nhất chứng tỏ người Nga đang sẵn sàng cho một cuộc xung đột thực sự là họ đang dự trữ huyết tương và máu.
"Họ không làm điều đó chỉ cho một cuộc tập trận quân sự", một vị tướng Mỹ về hưu, người từng tham gia cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq, nhận định. "Chẳng hạn, chúng ta thường biết mình đang tiến vào một cuộc chiến thực sự khi các bác sĩ được cấp morphin, bởi vì chất đó được kiểm soát rất chặt chẽ. Những dấu hiệu như thế và việc tích trữ máu là những dấu hiệu chắc chắn điều này rất nghiêm trọng, và chúng ta đang ở khá cao trên thang độ căng thẳng".
Nếu viễn cảnh này xảy ra, trật tự chiến tranh có thể sẽ giống như Chiến dịch Tự do Iraq năm 2003. Các tên lửa hành trình được phóng từ đất liền và tàu chiến cùng các loại vũ khí khác sẽ trút như mưa xuống các điểm chỉ huy và kiểm soát của quân đội Ukraina, xuống các căn cứ không quân và khẩu đội phòng không của nước này.
Một khi đạt được ưu thế trên không, lực lượng thiết giáp trên mặt đất của Nga - được hỗ trợ bởi các tiểu đoàn gây nhiễu điện tử - sẽ tấn công các đơn vị Ukraina vốn gặp khó khăn lớn trong liên lạc với nhau và không có cơ hội được tăng viện. Các tháp viễn thông dân sự sẽ bị hủy để Ukraina không thể liên lạc với phần còn lại của thế giới.
Giới chức cấp cao Mỹ tin rằng, quân Nga sẽ thắng một cuộc chiến như vậy chỉ trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng, Tổng thống Putin sẽ không mạo hiểm ra lệnh cho một cuộc tấn công có quá nhiều hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Xem thêm tình hình quân sự thế giới hiện nay trên Vietnamnet
Thanh Hảo
Lý do khủng hoảng Ukraina khó leo thang thành chiến tranh hạt nhân
Nếu chiến tranh xảy ra giữa hai nước hoặc hai tổ chức có vũ khí hạt nhân, khả năng hủy diệt tự nó sẽ đóng vai trò như một lá chắn.