Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án, chính sách được triển khai đồng bộ, hiệu quả, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có những thay đổi căn bản.
Kinh tế vùng dân tộc thiểu số hằng năm tăng trưởng khá (3-4% năm), nhiều xã đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi sản xuất hàng hóa tập trung. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm đầu tư xây dựng; sự nghiệp y tế, giáo dục được nâng lên, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy.
Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2011-2021, trên địa bàn tỉnh triển khai 63 chính sách của Trung ương và tỉnh, với tổng nguồn lực gần 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển KT-XH, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực... và bảo đảm an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các chính sách đã có tác động mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa sâu, rộng, chuyển biến tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại xã Cẩm Đàn (Sơn Động), từ các mô hình, chính sách hỗ trợ, đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm được hướng phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao, ổn định.
Điển hình, từ 2 ha trồng bơ theo dự án trồng thử của Bộ Khoa học và Công nghệ (năm 2019), đến nay toàn xã đã trồng được gần 10 ha. Theo tính toán, bơ sẽ cho hoạch từ năm thứ 3 trở đi và ổn định từ năm thứ 6. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, người trồng bơ sẽ thu về khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.
Hay mô hình hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tại thôn Rộc Nẩy (xã Cẩm Đàn) chuyển 1 ha bạch đàn sang trồng 500 cây mắc ca.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2012 - 2025; Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các địa phương. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn bộ 10 Dự án đều được triển khai, trong đó có một số dự án đã hoàn thành kế hoạch năm, như: Tiểu dự án 2, 4 thuộc Dự án 5; Dự án 6; Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 và Tiểu dự án 1, 3 thuộc Dự án 10.
Khối lượng thực hiện cả 10 Dự án ước đạt 80 tỷ đồng, giải ngân hơn 24 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Cùng với đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn từ 31% năm 2021 xuống còn 27% vào cuối năm 2022.