Tỉnh Bắc Giang có 28 xã, 244 thôn đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện Chương trình phù hợp với tình hình thực tế.

Sau thời gian thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN có bước phát triển rõ rệt, đời sống của người dân được nâng cao.

Cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế và một số công trình khác được xây dựng. Nhiều hộ gia đình được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt… 

Đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước cải thiện

Từ nguồn vốn của Chương trình, lồng ghép với các Chương trình MTQG khác, đến nay Bắc Giang đã hỗ trợ nhà ở cho 566 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 2.345 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 4.420 hộ dân, đầu tư xây dựng 18 công trình nước sinh hoạt tập trung.

Tỉnh cũng chú trọng cải tạo, nâng cấp 8 công trình trạm y tế xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 8 chợ. Thực hiện cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp một số hạng mục thuộc 09 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú... 

Ngoài ra, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng cho 2.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm kinh tế giỏi. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động; v.v...

Bắc Giang 12
Một tiết học tại trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang

Qua 3 năm (giai đoạn 2022-2024) triển khai thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Giang có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước cải thiện.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể trong vùng dân tộc, tỷ hộ nghèo người DTTS giảm bình quân 2,7%/năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 4,16%/năm. Đã có 6 xã khu vực III, 4 xã khu vực II hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thoát khỏi tình trạng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn, bản của các xã vùng DTTS có nhân viên y tế thôn bản hoạt động; 100% người DTTS thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% trạm y tế các xã vùng dân tộc, miền núi của tỉnh có bác sĩ; 100% các xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất của trường lớp học, trạm y tế được quan tâm đầu tư, công tác chăm sóc y tế, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Đến hết năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS&MN từ 1,5 - 2,5%/năm; 13 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 122 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn;...

Mặc dù kinh tế - xã hội vùng cao đã có bước phát triển mạnh nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh. Kinh tế phát triển chậm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa theo kịp các vùng khác; lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp; kết cấu hạ tầng mặc dù đã được đầu tư, song chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài ra, khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa vùng dân tộc và các vùng khác trong tỉnh, giữa các thành phần dân tộc còn cao; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc dần mai một, trình độ dân trí không đồng đều; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tác động đến đời sống của đồng bào DTTS;...

Do đó, thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục tập trung các nguồn lực để các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh trở thành các vùng quê đáng sống.