Tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động nằm trong nội dung số 2, tiểu dự án 1, Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do tỉnh Bắc Giang triển khai.
Thời gian qua, tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch giáo dục pháp luật cho cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo đó, mỗi lớp được tổ chức trong 1 ngày cho khoảng 80 đại biểu là Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn, các ban, đoàn thể thôn, người có uy tín, đại diện các hộ dân tại thôn.
Các báo cáo viên của Phòng Tư pháp và Hội đồng phổ biến Giáo dục pháp luật của huyện Lục Ngạn đã tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về Chỉ thị 17, Chỉ thị 19, Luật Dân chủ cơ sở; Luật thừa kế, Luật Nghĩa vụ quân sự; Quốc phòng an ninh; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật đã làm thay đổi nhận thức, niềm tin và hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Sau lớp tập huấn, người dân đã nắm bắt, hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiểu biết về pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình, biết các chủ trương, chính sách ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tỉnh còn tập trung tuyên truyền, vận động về chính sách dân tộc cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Đồng thời tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền đảm bảo về phẩm chất, năng lực chuyên môn và am hiểu tâm lý, tập quán của đồng bào DTTS.
Theo số liệu thống kê, dân số toàn tỉnh Bắc Giang có trên 1,8 triệu người, trong đó người dân tộc thiểu số là 257.258 người, chiếm 14,26% tổng dân số cả tỉnh.
Toàn tỉnh có 45 thành phần dân tộc, trong đó có 6 thành phần dân tộc thiểu số chủ yếu chiếm số đông: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Sán Chí và Cao Lan), Dao với số dân là 251.457 người; 39 thành phần dân tộc thiểu số khác chiếm số dân ít, chủ yếu tăng cơ học, sinh sống không tập trung thành thôn, bản riêng. Dân tộc Nùng có số dân nhiều nhất trong các dân tộc thiểu số chủ yếu, sinh sống tập trung ở huyện Lục Ngạn.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số phân bố không đều giữa các huyện, thành phố trong tỉnh, tỷ lệ cao nhất là huyện Sơn Động chiếm 56,92% dân số trong khi đó huyện Hiệp Hoà là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống thấp nhất với tỷ lệ 0,43%.