Hiệu quả xây dựng nông thôn mới
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Hà Minh Quý cho biết, từ đầu năm đến nay, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2023 đã được các địa phương thực hiện sớm, chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương thực hiện các nội dung kế hoạch.
Đặc biệt, các huyện, thành phố tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương, tính đến ngày 20/3, toàn tỉnh có 6/10 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới với 143/182 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78,6%.
Trong đó, có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 22,5%), 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 241 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
“Hiện tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ cho 2 xã để đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022”, ông Quý thông báo.
Tỉnh Bắc Giang cũng có 205 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở nên (31 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 15,1%; 174 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 84,9%).
Ông Quý cho biết thêm, tính đến hết tháng 3 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1 sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường, huyện Yên Thế. Tỉnh cũng đã đánh giá 1 sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đủ tiêu chuẩn 5 sao, đang đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận.
Tháo gỡ khó khăn
Đối với nhiệm vụ huy động nguồn lực, ông Quý cho biết tổng vốn huy động thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 khoảng 720,415 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí 270,056 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 379,427 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 chưa được phân bổ gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, một số địa phương triển khai gặp khó khăn.
Trong đó phải kể đến việc triển khai các dự án đường giao thông áp dụng thiết kế mẫu ban hành của Sở Giao thông vận tải tỉnh. Nguyên nhân là do khi thực hiện trong thực tế mẫu thiết kế này khó áp dụng đối với các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông.
Trước tồn tại này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Sở Giao thông vận tải xem xét sửa đổi, bổ sung thiết kế mẫu đường thôn, đường dân sinh, đường nối với khu sản xuất theo hướng mở về kết cấu của các tuyến đường, xem xét ban hành thêm thiết kế mẫu đối với các tuyến đường cải tạo, nâng cấp để phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở ngành phụ trách các tiêu chí, giúp đỡ các xã hiện nay đang gặp khó khăn trong thực hiện để tìm hướng tháo gỡ.
Song song với đó, tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thành phân bổ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương được giao. Địa phương cũng cam kết hướng dẫn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn khi được phân bổ về các địa phương, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạng mục công trình.