Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, Bắc Kạn đã trở thành một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP nhiều trong cả nước. Địa phương này cũng tích cực triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Đến nay, tỉnh có 155 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 143 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao. Có 6 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể là: Miến dong, quýt, hồng không hạt, gạo Bao Thai (Chợ Đồn), gạo Khẩu Lua Nếch (Ngân Sơn), chè Shan Tuyết (Bằng Phúc).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm mô hình sản xuất tại Hợp tác xã Thiên An. 

Hợp tác xã Thiên An được thành lập vào năm 2015 với 15 thành viên là người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn xã Vi Hương, huyện Bạch Thông. Dựa trên các thế mạnh về cây dược liệu và các bài thuốc cổ truyền của người Dao tại địa phương, hợp tác xã tập trung sản xuất cây dược liệu thành các sản phẩm hàng hóa như thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao gắm giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, hợp tác xã cho ra đời nhiều sản phẩm khẩu trang, gối bằng thổ cẩm đẹp mắt.  

Những năm gần đây, hợp tác xã đã quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư thêm một số máy móc, trang thiết bị để chế biến, đóng gói sản phẩm, vì vậy, cả hình thức và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Năm 2020, Hợp tác xã Thiên An có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao là Phục dưỡng hoa, Mộc vượng xuân, An mộc nhi. Đây là các bài thuốc cổ truyền của người dân tộc Dao tại địa phương.

Hợp tác xã đã được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số vào năm 2020 để quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng. Hiện nay, hợp tác xã có trang website với địa chỉ truy cập http://hoptacxathienan.com để quảng bá về các sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp. Sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Voso và Postmart... Ứng dụng công nghệ thông tin nên việc quản lý hàng hóa, khách hàng, doanh thu của hợp tác xã được thực hiện khoa học và hiệu quả.

Thời gian qua, Bắc Kạn có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá giúp đưa thương hiệu, sản phẩm OCOP có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Từ năm 2017 tới nay, Bắc Kạn tổ chức nhiều giải pháp hỗ trợ, hội nghị quảng bá, xúc tiến, kết nối, qua đó giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống các siêu thị lớn, đưa hàng trăm sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Voso và sàn thương mại điện tử Postmart.

Hợp tác xã Tài Hoan ở xã Côn Minh, huyện Na Rì là tiêu biểu cho việc xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh. Năm 2018, chị Nguyễn Thị Hoan đã thành lập Hợp tác xã Tài Hoan chuyên sản xuất miến dong. Ngay từ khi tỉnh triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm, hợp tác xã đã chủ động tham gia Chương trình. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của hợp tác đã được hoàn thiện hơn về các tiêu chuẩn: Quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, yếu tố môi trường sản xuất, nâng cao kiến thức xúc tiến thương mại, bán hàng…

Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã đã được tiêu thụ trên cả nước (các chợ đầu mối, Siêu thị Big C toàn miền Bắc, một số công ty, chuỗi cung ứng nông sản, chuỗi bán lẻ…) và xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2021, miến dong Tài Hoan đã được công nhận là 1 trong 20 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.

Tỉnh còn hỗ trợ các hợp tác xã và người nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã đã liên kết với 500 hộ dân trồng 70ha dong riềng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển cây trồng thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định, bền vững.

Để đạt được những kết quả như hiện nay, trong quá trình phát triển, hợp tác xã đã đẩy mạnh công việc chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, từng bước đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường. Hợp tác xã luôn quan tâm đến chất lượng, nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại… để ngày càng phát triển hơn.

Trong thời gian tới, hợp tác xã mong muốn tiếp tục được các cấp, các ngành hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ thành viên để sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường (VietGAP, hữu cơ…) nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm cây dong riềng tỉnh Bắc Kạn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021, tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình OCOP hằng năm. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố làm căn cứ triển khai chương trình đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức xét chọn 105 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình. Tổ chức 02 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho chủ thể thực hiện chương trình, nội dung xây dựng phương án kinh doanh, phát triển kinh tế cộng đồng, xây dựng câu chuyện sản phẩm, kiến thức an toàn thực phẩm, đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ, kỹ năng khởi nghiệp, thương mại điện tử. 

Thời gian tới, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất thí điểm một mô hình với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí kinh phí tổ chức thực hiện. Tỉnh Bắc Kạn cũng phấn đấu đến năm 2025 có từ 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 - 4 sao, trong đó có 02 sản phẩm trở lên đạt 5 sao.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh đặc biệt khuyến khích ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng. Ứng dụng công nghệ cao quy trình khép kín, tăng năng suất lao động và sản xuất, theo dõi quản lý chặt chẽ có hệ thống và ứng dụng công nghệ nhận diện thông minh đối với sản phẩm (tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc,…).

Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện Chương trình OCOP cũng được tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Tỉnh vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại... để thúc đẩy phát triển sản xuất ở các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia OCOP.

Thu Hằng, và nhóm PV, BTV