DN lao đao trước đại dịch

Nền kinh tế đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do nhiều đợt bùng phát dịch kéo dài từ đầu năm 2020. Sau mỗi đợt dịch bùng phát, số DN có nguy cơ phá sản lại tăng cao, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh khi đây là những đối tượng có sức chống chọi “yếu ớt” do vốn hạn chế, thị trường nhỏ.

Theo báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam, phát hiện chính từ điều tra DN năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, gần 90% DN ở hầu hết các ngành, nghề bị ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19. Và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các DN trẻ chưa đầy 3 năm tuổi.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.110 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 14.500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Khoảng 60% số DN trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản…

Tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới), nhiều đơn vị sản xuất gặp khó khăn do tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, thiếu container để thuê hoặc giá thuê tăng cao. Đặc biệt, một số đơn vị xuất khẩu phải tạm dừng sản xuất do không xuất được hàng. Các DN khác hoạt động trong lĩnh vực lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải, may mặc, sản xuất chế biến nông, lâm sản... cũng phải xoay xở tìm đơn hàng khi nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm mạnh do dịch bệnh.

{keywords}
 

Lắng nghe và đồng hành

Nhận thức sự khó khăn của DN tác động mạnh đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, tỉnh Bắc Kạn triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ các DN, chú trọng DN nhỏ và siêu nhỏ.

Để những giải pháp, chính sách hỗ trợ thực sự đáp ứng nhu cầu của các DN, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức buổi gặp gỡ để lắng nghe kiến nghị, đề xuất trên tinh thần “Chính quyền đồng hành cùng DN”. Nhờ đó, tỉnh đã đề ra một số chính sách được đánh giá là kịp thời như hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ DN thông qua nhóm chính sách tài khóa, rà soát và lập danh mục các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh; không tăng giá đối với các mặt hàng đầu vào cho sản xuất của DN do Nhà nước định giá; tập trung đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; xóa nợ tiền phạt chậm nộp…

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành Thuế tỉnh Bắc Kạn cũng thực hiện xóa nợ cho 70 DN với tổng số tiền 366 triệu đồng; tiếp nhận 13 hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hiện đang ưu tiên triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động, song song thực hiện gia hạn nợ cho 1.514 khách hàng với dư nợ 44 tỷ đồng, cho vay mới đối với 23.453 khách hàng với tổng số tiền trên 1.070 tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ, tỉnh Bắc Kạn còn thực hiện chủ trương đồng hành cùng DN bằng việc kết nối xúc tiến thương mại, đặc biệt là các sản phẩm OCOP trong tỉnh.

Đáng chú ý, để giúp các DN của tỉnh có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký kết hợp tác thực hiện Sàn giao dịch thương mại điện tử, định hướng xây dựng trở thành kênh quảng bá và phân phối các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn. Hệ thống Sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (backanmarket.vn) hứa hẹn giúp DN phân phối sản phẩm với chi phí thấp nhất thông qua việc tích hợp các giải pháp về thanh toán, logistics…

{keywords}
 

Để đạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững, hiện tỉnh Bắc Kạn đang đẩy mạnh hoạt động khuyến công, nhằm tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới. Theo đó, Sở Công Thương Bắc Kạn đã và đang hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh từ ứng dụng công nghệ vào quản lý đến quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Hàng loạt giải pháp, chính sách hỗ trợ và đồng hành cùng DN của tỉnh Bắc Kạn không chỉ tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn tỉnh duy trì, phục hồi sản xuất trong đại dịch mà còn tạo tiền đề quan trọng làm tăng thêm sức hút của vùng đất miền núi sở hữu nhiều tiềm năng phát triển với những nhà đầu tư mới.

N. An