Chiều 23/3, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn - chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) đã làm việc với báo VietNamNet sau bài viết "Con đường gần 3.000 tỷ xuyên rừng ở Bắc Kạn". 

"Đánh thức" hồ Ba Bể 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn cho biết, công trình trên thuộc danh mục các dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng. Với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, đây là dự án đường giao thông lớn nhất do tỉnh triển khai. 

Theo ông Tuấn, dự án được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư với thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2024, triển khai theo 2 giai đoạn. Hiện nay, các đơn vị nhà thầu đang thực hiện giai đoạn một của dự án với tổng chiều dài 37km. Ở giai đoạn hai, tuyến đường có chiều dài hơn 40km, sẽ kết nối tới huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.  

Khi hoàn thiện, việc di chuyển từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể thay vì mất 2 giờ sẽ rút xuống còn 40 phút. Theo ông Tuấn, từ khi triển khai dự án, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực du lịch tại Ba Bể với vốn đăng ký hơn 60 nghìn tỷ đồng. 

Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, quá trình triển khai, dự án tác động hơn 70 hecta rừng, trong đó có hơn 30 hecta rừng tự nhiên phải được Thủ tướng chấp thuận cho phép chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác. 

Đoạn đường đi qua xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông. 

Tháng 8/2021, HĐND tỉnh ra nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 43 ha rừng trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Ngày 22/3/2022, Thủ tướng chấp thuận chuyển đổi hơn 30 hecta rừng tự nhiên. Dự án chính thức khởi công xây dựng từ tháng 4/2022. 

"Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặt kỳ vọng lớn vào dự án này để thay đổi diện mạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương", ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.

Thi công có sai sót nhất định 

Ngoài đề cập về những nỗ lực trong việc thực hiện các thủ tục, trình tự pháp lý, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thừa nhận: Do đây là tuyến đường mở mới, địa chất khu vực tuyến đường đi qua không ổn định, nên trong quá trình thực hiện xảy ra hiện tượng sạt lở dẫn đến dự án có tác động đến rừng tự nhiên nằm ngoài phạm vi được Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, quá trình thi công có hiện tượng đất thải đổ xuống suối làm thay đổi dòng chảy, các bãi đổ thải không tuân thủ theo quy hoạch do các nhà thầu tự thỏa thuận với người dân.

Đối với diện tích rừng tự nhiên bị tác động trong quá trình thi công, ông Tuấn cho biết đang cùng các đơn vị rà soát, tổng hợp. Phần diện tích này sẽ đưa vào báo cáo, trình Thủ tướng để thực hiện chuyển đổi  phục vụ thi công giai đoạn hai của dự án. 

Theo ông Tuấn, dự án mở mới qua nhiều km rừng nên việc tác động nêu trên là khó tránh khỏi. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo chủ đầu tư giám sát chặt chẽ, không để tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên. 

Đại diện chủ đầu tư thừa nhận có hiện tượng đất sỏi đổ tràn xuống suối.

Ngoài ra, đại diện chủ đầu tư dự án cũng chia sẻ: Có nhiều nhà thầu chưa quen với cách thi công địa hình đồi núi; vào mùa mưa, việc thi công gặp khó khăn, các máy móc không thể tiếp cận được công trường; ngoài ra, đặc thù thi công cầu cạn buộc phải có đường công vụ... 

Từ những khó khăn nêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, quá trình thi công không tránh khỏi những sơ suất, sai sót. Chủ đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xử lý triệt để, phấn đấu đưa dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch. 

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, phấn đấu năm 2023 hoàn thành giai đoạn 1

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để dự án hoàn thành đúng kế hoạch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, có nhiều văn bản chỉ đạo giám sát chặt chẽ, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định. 

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, theo ông Tuấn, việc cần làm trước tiên là tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải trong quá trình triển khai. Cụ thể, về vấn đề chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác, các đơn vị chức năng đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) để hoàn thiện thẩm định hồ sơ giai đoạn hai của dự án. 

"Tháng 4/2022, Tỉnh ủy chỉ đạo chủ đầu tư dự án, các nhà thầu tập trung triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương, các nhà thầu để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bố trí bãi đổ thải", ông Tuấn nói. 

Để tháo gỡ khó khăn trong bố trí bãi đổ thải, ông Tuấn cho biết, bên cạnh yêu cầu giám sát đơn vị thi công đổ thải đúng quy định, UBND tỉnh đồng ý đổ đất tại các vị trí khác với mục đích cải tạo đất, tăng độ màu mỡ. Tuy nhiên, việc đổ thải này cần phải nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, người dân có đất. Quá trình đổ thải không để xảy ra tình trạng ô nhiễm hoặc gây ra các sự cố về môi trường. 

Với những nỗ lực trên, ông Nguyễn Anh Tuấn kỳ vọng: Năm 2023, giai đoạn một dự án sẽ hoàn thành 90% mục tiêu đề ra. Từ đó, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tuyến đường này trong năm 2024.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm việc với Bắc Kạn về bảo vệ rừng

Năm 2023 là năm sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong 2 ngày 22-23/3, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 do ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã đi khảo sát và làm việc tại Bắc Kạn. 

Ông Trần Tuấn Anh đánh giá, Chỉ thị 13 của Ban bí thư Trung ương Đảng được triển khai nghiêm túc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đem lại kết quả tích cực.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại như: Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp còn ở mức cao; Một số vụ phá rừng, khai thác gỗ quý hiếm còn xảy ra. Ngoài ra, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tỉnh còn gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách chung đối với những địa phương có nhiều diện tích đất rừng, độ che phủ rừng tự nhiên cao.

Từ đó, ông Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Bắc Kạn bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13 trên địa bàn tỉnh. Thứ hai, quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả. Tỉnh cần tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống, có các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Bắc Kạn thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.