Cuộc đời hơn nửa thế kỉ trị bệnh cứu người có bao nhiêu kỉ niệm, nhưng dấu ấn quan trọng nhất trong cuộc đời bác sĩ Tài Thu là năm 1971, giữa chiến tranh, ông được biệt phái cử vào quân đội. Thương binh về nhiều, thuốc men quá thiếu. Cây kim châm cứu của bác sĩ Tài Thu phát huy khả năng gây tê cho các ca mổ.

“Thành công cũng có nhưng thất bại nhiều hơn. Nhiều anh em ra đi đau đớn lắm! Tôi biết ơn anh em, không gây tê thì không mổ được, mà gây tê thì nhiều anh em chịu không nổi. Nói về châm cứu thì Trung Quốc là số 1, mọi lý thuyết là từ họ. Nhưng sử dụng kim châm thì không thể kinh nghiệm bằng tôi vì bệnh nhân của tôi là bao nhiêu thương binh không có thuốc”.

Nỗi ‘đoạn trường’ vào bệnh viện công

Đấy là thời chiến tranh, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng khi y tế hiện đại, máy móc nhiều, điều kiện tốt hơn hẳn, vẫn còn không ít tai biến y khoa từ sơ suất của bác sĩ. 

Đang thiếu thốn, sao cứ máy móc thuốc nào cũng phải đấu thầuĐang thiếu thốn, sao cứ máy móc thuốc nào cũng phải đấu thầuXem ngay

Một giáo sư, hiệu trưởng một trường đại học đào tạo y khoa bảo tôi: “Ở nước ngoài, động dao kéo vào bệnh nhân là không đơn giản. Trách nhiệm của bác sĩ lớn lắm, không cẩn thận ra toà như chơi. Còn ở ta, cứ vào viện là bệnh nhân hoặc người nhà phải ký giấy “hoàn toàn chịu trách nhiệm” về ca mổ. Thế là anh hoàn toàn phó thác sinh mệnh vào bác sĩ, mà bác sĩ thì cũng nhiều trình độ, chưa kể không phải ai cũng toàn tâm toàn ý với nghề".

Đã có nhiều trường hợp, khi xảy ra sự cố, gia đình người bệnh không được giải thích rõ ràng, cung cấp thông tin đầy đủ về ca mổ và lý do xảy ra tai biến. Sự úp mở thậm chí bưng bít ấy khiến nhiều gia đình bức xúc trong khi bác sĩ và cơ sở y tế có cả nghìn lý do chuyên môn nếu muốn che giấu sơ suất của mình.

Vị thứ trưởng một bộ vốn là dân công nghệ bảo tôi: “Chỉ cần cho bệnh nhân đăng ký khám qua mạng, hẹn giờ từng người thì cảnh chen chúc xếp hàng từ 5-6h sáng ở các bệnh viện sẽ không còn. Đơn giản thế mà không hiểu sao bệnh viện công lại không chịu làm?”

Đúng là nhiều bệnh viện, riêng khâu “hỏi đường” để đến được đúng các phòng xét nghiệm bố trí dích dắc đã tốn bao nhiêu thời gian. Có người đã liệt kê vào bệnh viện công phải qua nhiều nỗi đoạn trường, mà đoạn trường nào cũng quá tải: Xếp hàng mua sổ khám, xếp hàng nộp sổ khám, xếp hàng mua phiếu khám, xếp hàng nộp phiếu khám, xếp hàng đóng tiền khám, xếp hàng lấy số chỉ định khám...

Chưa kể, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế rất “kiệm lời”, chỉ dẫn hời hợt làm bệnh nhân chạy toát mồ hôi. Kết quả xét nghiệm ở bệnh viện này mang sang bệnh viện khác không được chấp nhận làm bệnh nhân tốn kém, vất vả vẫn diễn ra như “chuyện thường ngày”. 

Tiền đề để thoát khỏi khủng hoảng 

Ngành y luôn được người bệnh biết ơn. Những chiến sĩ áo trắng lăn xả trên tuyến đầu chống dịch. Những ca xử lý căng thẳng, những tình huống phải quyết ngay vì sinh mệnh mong manh của người bệnh. Đặc thù cơ địa mỗi bệnh nhân một khác, tai biến y khoa xảy ra là khó tránh.

Khoa Cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy chiều 5/9

Xã hội trân trọng và cảm thông với những bác sĩ đã chọn cho mình sứ mệnh cứu người nhiều vất vả. Thậm chí có những ca bệnh không qua nổi, người nhà bệnh nhân vẫn tri ân bác sĩ vì hiểu người thân của mình đã được chăm sóc, cứu chữa hết lòng. Thế nhưng, nếu y bác sĩ đo đếm nỗi vất vả của mình bằng cách soi chiếu “thái độ” biết điều của bệnh nhân, coi việc được “gửi gắm” nhờ vả là chuyện đương nhiên thì việc cứu người thành chuyện bán mua, xa lạ với đạo đức ngành y.

Tuần này, Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách, góp ý cho một số dự án luật, trong đó có luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Nhiều vấn đề về chính sách y tế sẽ được mổ xẻ, phân tích, với mục tiêu làm cho y tế mạnh lên, người dân được chăm sóc tốt hơn, đỡ khổ hơn khi bước chân đến viện.

Các bệnh viện công đang trải qua giai đoạn khó khăn. Bác sĩ bỏ việc hàng loạt, chuyển ra bệnh viện tư. Bệnh viện sợ đấu thầu nên thiếu thuốc và thiết bị y tế. Bệnh viện lớn tự chủ 100% đang xin nhà nước hỗ trợ trở lại…

Thế nhưng, trong cái rủi có khi lại có cái may. Đấy là, ngành y đã nhận thức rõ bệnh viện công không thể vận hành như cũ được nữa. Không thể coi đấu thầu thuốc, vật tư y tế là “bổng lộc” của người có quyền điều hành trong bệnh viện. Không thể coi bệnh nhân đến viện phải cầu cạnh bác sĩ là chuyện đương nhiên. Không thể coi tai biến y khoa là “việc riêng” của bệnh viện mà thiếu sự thông tin khách quan, cầu thị và đầy đủ cho gia đình bệnh nhân.

Quan trọng hơn nữa, đội ngũ y bác sĩ với trình độ và y đức của mình xứng đáng được cả xã hội trân trọng, tôn vinh, và phải giữ được giá trị trân quý ấy mà nghề nghiệp đem lại. Ngược lại, y bác sĩ được tôn vinh khi làm đúng trách nhiệm, đúng đạo đức ngành y, khi coi người bệnh như người nhà của mình.

Đổi mới là không dễ dàng, song từ thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến thay đổi trong quản trị bệnh viện, trong thái độ phục vụ, chăm sóc bệnh nhân. Đó có thể coi là tiền đề để các bệnh viện công và cả hệ thống y tế thoát ra khỏi khủng hoảng hiện nay.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa (đại biểu Quốc hội)