Ngày 8/12, Khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết ngày thứ 3 sau khi nhét nhẫn vào gốc dương vật, do đau nhiều và hoảng sợ nên bệnh nhân mới báo cho người nhà đưa vào viện.
Bác sĩ nhận thấy vòng nhẫn bóp nghẹt ở gốc dương vật khiến bộ phận này phù nề, giảm cảm giác, da có dấu hiệu tím do thiếu máu và do tổn thương khi bệnh nhân cố lấy dị vật. Khai thác tiền sử, bệnh nhân không sử dụng chất kích thích trước đó.
Thầy thuốc khoa Nam học phối hợp với bác sĩ khoa Răng của bệnh viện quyết định sử dụng tay khoan nha khoa, mũi khoan cắt kim cương để loại bỏ dị vật. Sau can thiệp, dị vật được lấy ra mà không làm tổn thương thêm cho vùng kín bệnh nhân. Bệnh nhân sau đó chuyển về Khoa Nam học dùng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm nề và theo dõi các biến chứng tiếp theo có thể xảy ra.
Bác sĩ Nghiêm Trung Hưng, khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bóp nghẹt dương vật là một tình huống khẩn cấp hiếm gặp cần được can thiệp ngay để ngăn ngừa các tổn thương do thiếu máu, đè ép.
Các chấn thương cơ học có thể xảy ra như loét da, chấn thương niệu đạo, co thắt thể hang, thể xốp, rò niệu đạo, mất cảm giác dương vật. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và hợp lý, biến chứng có thể gặp như hoại tử dương vật, thiếu máu mô cương gây rối loạn cương.
Ở nam giới lớn tuổi, nguyên nhân khiến "cậu nhỏ" tổn thương do dị vật là do quý ông cố gắng tăng cường hoạt động tình dục.
Trong khi đó, với thanh thiếu niên, thủ dâm và tò mò về tình dục với các vật liệu rất đa dạng từ vòng nhựa, dây cao su, cổ chai thủy tinh, nhẫn, đai ốc… là nguyên nhân hàng đầu. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dị vật có thể là sợi dây, sợi chỉ hoặc đôi khi là sợi tóc vô tình quấn vào dương vật.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo với người bệnh bị rối loạn cương dương không nên tự ý thử nghiệm các cách thức gây nguy hiểm cho dương vật và nên được khám và tư vấn điều trị hợp lý tại chuyên khoa Nam học uy tín.