Có người nhỡ tay tiêm vào chính mình. Có trường hợp còn hút phải phoóc-môn hoặc hút phải vi khuẩn tả phải đi ngoài là chuyện đã xảy ra.

Những ngày vừa qua, dư luận xúc động trước thông tin 18 bác sĩ BV Phụ Sản Hà Nội có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV sau khi cấp cứu cho một bệnh nguy kịch mắc căn bệnh này.

Hơn ai hết, những người trong ngành y, họ thấm thía hơn hết về những hiểm nguy khó lường trong công việc hằng ngày của họ.

Mỗi ngày tiếp xúc với hàng trăm mẫu đờm

TS Nguyễn Văn Hưng - Trưởng khoa Vi sinh (BV Lao Phổi TƯ) chia sẻ: “Mỗi ngày các nhân viên xét nghiệm phải tiếp xúc với hàng trăm mẫu bệnh phẩm một ngày. Mặc dù đã có các phương tiện bảo hộ rồi nhưng ai dám chắc có thể đảm bảo an toàn được 100%?"

Ngoài yếu tố môi trường, yếu tố sinh học cũng là một nguy cơ tiềm ẩn đối với các nhân viên xét nghiệm. Vi khuẩn lao có nguy cơ lây lan rất cao, thêm nữa là các vi khuẩn lao kháng đa thuốc, thậm chí siêu kháng, bên cạnh đó còn có mầm bệnh khác như HIV…

Trong phòng xét nghiệm, các chất hóa học có tính chất bay hơi thì các nhân viên có thể hít vào, rất độc hại…

Công việc của Khoa Vi sinh vất vả, khó khăn và yêu cầu cao bởi một người làm việc không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm, lây cả cho những người khác nên việc tuyển người đòi hỏi phải có chuyên môn và được đào tạo bài bản.

{keywords} 

Hút phải vi khuẩn tả vào miệng

GS. Thu Vân – Nguyên Giám đốc Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 từng chia sẻ về những khó khăn vất vả, về những tai nạn nghề nghiệp. “Ngày xưa khi hút các dung dịch, nguy cơ lây mầm bệnh cho người vẫn xảy ra. Ngày nay, phương tiện bảo hiểm tốt hơn nên tai nạn nghề nghiệp cũng đỡ hơn trước, song tai nạn nghề nghiệp vẫn không thể nào tránh khỏi hoàn toàn...”, GS Thu Vân cho biết.

Chính bản thân GS Thu Vân cũng từng bị tai nạn nghề nghiệp khi hút phải phoóc-môn vào miệng, bị cay sưng lưỡi mấy ngày liền không ăn uống được gì. Thậm chí có những đồng nghiệp của bà gặp tai nạn khi cầm pipet bị vỡ đâm vào tay chảy máu, nhiều người còn bị ngất đi.

Thậm chí có người nhỡ tay tiêm vào chính mình. Có trường hợp còn hút phải phoóc-môn hoặc hút phải vi khuẩn tả phải đi ngoài là chuyện đã xảy ra.

Bị đe dọa thường xuyên

Ở những Khoa cấp cứu của các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Thanh Nhàn, sáng tinh mơ hay nửa đêm, việc phải tiếp cận với những đối tượng đánh nhau ngoài đường rồi mang vào bệnh viện là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Một bác sĩ ở BV Việt Đức chia sẻ, những đêm trực chứng kiến những toán thành niên cởi trần, xăm rồng trổ phượng, hùng hổ bước vào khoa cấp cứu bệnh viện la hét, đập bàn đập ghế yêu cầu các bác sĩ phải cấp cứu ngay cho một người bê bết máu là chuyện bình thường.

Họ còn đe dọa các bác sĩ nếu để bệnh nhân chết thì nó sẽ giết, sẽ chặt tay…và bao nhiêu lời tục tĩu nhất họ cũng có thể nói với bác sĩ.

Nguy cơ khi dịch bệnh xảy ra

BS. Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp Cứu BV Bạch Mai từng chia sẻ: Bệnh viện đông đúc, quá tải như hiện nay nếu có bệnh dịch gì đó, đương nhiên hậu quả thế nào ai cũng biết. Và nguy cơ lây nhiễm lớn nhất vẫn là các nhân viên y tế và gia đình họ.

Một buổi sáng nào đó mình bước ra đường và gia đình không thấy mình quay trở về nữa đôi khi cũng không có gì lạ. Có bận, cả tua trực vớ ngay được bệnh nhân nhiễm não mô cầu, căn bệnh nguy hiểm cả chục năm nay không gặp (các nước phát triển chỉ có trong y văn).

Bệnh phẩm cấy vài hôm mới ra kết quả, tuy dễ chữa nhưng nguy hiểm. Lúc gọi điện thông báo cho cả tua trực tiếp xúc với người bệnh uống thuốc phòng thì họ đã và đang ở nhà ôm ấp gia đình mất rồi. Vậy ai sẽ phải chịu đựng những mất mát nếu chẳng may gặp phải những chủng bệnh kinh khủng hơn thế, SARS, EBOLA rồi bệnh gì nữa sẽ xuất hiện?

Ngày 4/7, chị NTH cùng con trai 12 tuổi từ Quảng Ninh về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê. Đi tới đoạn Phố Nối (Hưng Yên), chị thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo và bị xỉu. Con trai chị vội gọi điện cho người thân và chị đã được đưa ngay vào Phòng Cấp cứu của BV Phụ sản Hà Nội.

Bệnh nhân NTH khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Nếu chỉ chậm 1 - 2 phút là bệnh nhân sẽ không qua khỏi. Ngay lập tức bệnh nhân đã được làm các biện pháp cấp cứu, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại. Quá trình phẫu thuật diễn ra rất nhanh, sau phẫu thuật mới có kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân. Khi đó, 18 y bác sĩ BV Phụ Sản TƯ mới biết rằng mình có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân…

(Theo Báo Gia đình & Xã hội)