Các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe, chẳng hạn như Apple Watch, bây giờ đã có thể cho phép bạn phát hiện sớm các bệnh tim mạch, cụ thể là chứng rung tâm nhĩ. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng tốt, theo một phân tích của bác sĩ đa khoa người Anh Margaret McCartney trên tạp chí New Scientist.
McCartney cho rằng mặt tốt của các thiết bị này là giúp một số bệnh nhân phát hiện được chứng rung tâm nhĩ ngay từ giai đoạn đầu. Nhưng mặt trái của nó, Apple Watch vẫn có thể cho ra các trường hợp dương tính giả, khiến người đeo lo lắng và điều trị không cần thiết.
Chứng rung tâm nhĩ đòi hỏi người bệnh phải uống một loại thuốc làm loãng máu. Một trong những tác dụng phụ thường thấy của loại thuốc này là gây chảy máu trong não và ruột.
Cũng vì lý do đó, năm 2018, Dịch vụ Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (UPSTF) khuyến cáo không nên sàng lọc bệnh tim mạch bằng điện tâm đồ trên người trưởng thành có nguy cơ thấp. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cũng đưa ra khuyến cáo rất cụ thể: Đừng sàng lọc chứng rung tâm nhĩ.
Theo dõi sức khỏe tim mạch bằng đồng hồ thông minh có thể gây hại nhiều hơn có lợi
Từ lâu chúng ta đã có suy nghĩ rằng, càng biết nhiều kiến thức về sức khỏe của bản thân thì càng tốt. Ý tưởng này đã thúc đẩy sự bùng nổ của hàng loạt thiết bị công nghệ đeo – từ vòng tay sức khỏe, máy đếm bước chân đến đồng hồ thông minh. Các thiết bị cho phép chúng ta theo dõi những chỉ số sinh lý quan trọng của cơ thể như nhịp tim trong thời gian thực.
Năm ngoái, Apple đã tung ra chiếc đồng hồ thông minh thế hệ thứ 4 của mình với một tính năng hoàn toàn mới: đo điện tâm đồ (ECG) đồng thời phát hiện chứng rung tâm nhĩ.
Rung tâm nhĩ là một tình trạng tim mạch tương đối phổ biến. Trong đó, hai buồng phía trên trái tim của bạn không phối hợp được nhịp nhàng với nhau, cơ tim khi đó rung thay vì co lại. Tình trạng này có thể xuất hiện luôn luôn hoặc không liên tục.
Rung tâm nhĩ trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác. Những người mắc bệnh thường không có triệu chứng bên ngoài. Nhưng rung tâm nhĩ khá nguy hiểm bởi nó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây đột quỵ.
Một khi được chẩn đoán mắc bệnh, bạn sẽ cần dùng thuốc để làm loãng máu, đánh tan các cục máu đông đồng thời giúp tim làm việc hiệu quả.
Vậy thì vì lý do gì mà bạn có thể sẽ không muốn đeo một chiếc Apple Watch để sàng lọc rung tâm nhĩ? Trên thực tế, một số bác sĩ rất hồ hởi chào đón tính năng chẩn đoán mới này, một số còn mua Apple Watch và trở thành một tín đồ trung thành của hãng.
Vấn đề ở đây là tính năng sàng lọc chứng rung tâm nhĩ trên chiếc đồng hồ thông minh của Apple vẫn có những lỗ hổng. Nó có mặt tích cực nhưng cũng không phải không có mặt tiêu cực.
Tính năng điện tâm đồ trên Apple Watch không phải hoàn toàn có lợi
Điều tích cực nhất mà tính năng ECG của Apple Watch mang lại, đúng như mục đích của nó, là giúp người bệnh phát hiện sớm chứng rung tâm nhĩ. Chẩn đoán sớm sẽ giúp điều trị bệnh tốt hơn, tránh được các hậu quả và biến chứng sau này.
Nhưng với mặt trái của nó, Apple Watch vẫn có thể cho ra các trường hợp dương tính giả, nghĩa là nó khiến những người không mắc rung tâm nhĩ cũng nghĩ rằng mình mắc bệnh. Nhẹ thì dương tính giả sẽ gây lo lắng, nghiêm trọng thì nó sẽ dẫn đến các biện pháp điều trị không cần thiết với nhiều tác dụng phụ của thuốc.
Ở Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia đã xem xét các đánh giác dựa trên bằng chứng khoa học của Ủy ban Sàng lọc Quốc gia. Từ đó, họ đưa ra một lời khuyên hết sức rõ ràng: Đừng sàng lọc rung tâm nhĩ.
Việc phát hiện sớm căn bệnh này dường như không cần thiết. Bằng chứng khoa học cho thấy việc điều trị rung tâm nhĩ tỏ ra rất hiệu quả, ngay cả ở giai đoạn bệnh đã thể hiện triệu chứng hoặc bệnh nhân phát hiện rung tâm nhĩ vì đi khám một căn bệnh khác.
Ngược lại, không hề có bằng chứng cho thấy việc phát hiện sớm và điều trị chứng rung tâm nhĩ ở những người không có triệu chứng sẽ tạo ra được lợi ích lớn hơn những rủi ro và tác dụng phụ từ thuốc.
Một bài báo gần đây của Hoa Kỳ cho thấy phải sàng lọc khoảng 10.000 người lớn tuổi không có triệu chứng mới phát hiện được 50 người bị rung tâm nhĩ. Và tất cả 50 người đó sẽ phải điều trị để ngăn ngừa một cơn đột quỵ.
Trong khi đó, kết quả sơ bộ của một nghiên cứu do Apple tài trợ cho thấy chẩn đoán rung tâm nhĩ có thể trả về kết quả dương tính giả lên tới 29%, trong so sánh với kiểm tra điện tâm đồ y tế chuẩn. Điều đó nghĩa là cứ 10 người nhận cảnh báo về rung tâm nhĩ, sẽ có 3 người trong số đó thực ra không mắc bệnh.
Cứ 10 người nhận cảnh báo về rung tâm nhĩ, sẽ có 3 người trong số đó thực ra không mắc bệnh.
Nhận thức được điều này rất quan trọng, đó là bởi các loại thuốc dùng để điều trị rung tâm nhĩ có rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc làm loãng máu có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết, chảy máu trong não và ruột.
Tất nhiên, việc điều trị rung tâm nhĩ chỉ có thể được các bác sĩ quyết định sau khi đã thăm khám cụ thể. Thế nhưng, với việc hàng triệu người trẻ khỏe đang đeo Apple Watch, trong đó sẽ có hàng ngàn người có thể đặt lịch khám với bác sĩ tim mạch sau khi nhận cảnh báo dương tính giả, các trường hợp điều trị không cần thiết có thể cũng sẽ là một con số đáng kể.
Ở Anh, các nghiên cứu sàng lọc rung tâm nhĩ bằng ECG vẫn đang được tiến hành, để xem việc thực hiện nó trên quy mô dân số lớn có tác dụng phòng ngừa và giảm đột quỵ hay không. Trước khi nghiên cứu này có kết quả, bạn nên biết rằng việc để ý phát hiện sớm căn bệnh lúc này không phải lúc nào cũng tốt.
Nếu bạn có các triệu chứng thực sự của chứng rung tâm nhĩ – bao gồm khó thở, đau ngực – bạn nên tới gặp bác sĩ. Còn nếu không, sử dụng tính năng điện tâm đồ trên Apple Watch có vẻ không cần thiết, đôi khi có thể còn gây hại nhiều hơn là có lợi.
Tham khảo Newscientist, Wired, Businessinsider