Vị bác sĩ 73 tuổi ngày ngày mặc áo blue trắng, tất bật trong căn xưởng nhỏ chế tạo hàng trăm đôi chân tay giả giúp đỡ người khuyết tật khắp nơi có cuộc sống mới.
XEM CLIP:
Căn nhà nhỏ trong ngõ Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nơi ở đồng thời là nơi làm việc, xưởng lắp ráp dụng cụ chỉnh hình của vợ chồng bác sĩ Lê Thành Đô.
Bác sĩ Đô (73 tuổi) là thương binh hạng 2/4. Khi làm nhiệm vụ ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) không may gặp nạn, ông bị thương ở mặt và phần cánh tay, sức khoẻ giảm sút, không thể chiến đầu tiếp, đơn vị phải điều chuyển ông về tuyến sau.
Xuất ngũ năm 1969, ông theo học ĐH Y Hà Nội, ra trường ông về nhận công tác tại trung tâm Điều dưỡng thương binh (Thuận Thành, Bắc Ninh). Sau đó ông được cử về Hà Nội công tác tại Viện Chỉnh hình, Bộ LĐTB&XH rồi làm giảng viên y khoa Trường ĐH Lao động xã hội Hà Nội.
Bác sĩ Lê Thành Đô |
Từ những kiến thức tích lũy được, ông nuôi ước mơ thành lập cơ sở chuyên sản xuất, cung cấp miễn phí dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Về hưu năm 2005, ông quyết định mở xưởng sản xuất chân giả ngay tại ngôi nhà tập thể ở phố Minh Khai.
“Tôi vốn là người khuyết tật trở về sau chiến tranh nên hiểu hơn ai hết những mất mát, khó khăn của họ. Tôi muốn bằng sức lực của mình bù đắp cho họ phần nào những đau thương đó, giúp họ có cuộc sống thường ngày thuận lợi hơn”, bác sĩ Đô tâm sự.
Được vợ con ủng hộ, ông trích một phần lương hưu mở căn xưởng rộng khoảng 25m2, biến nó thành một bệnh viện thu nhỏ. Đối tượng bác sĩ Đô hướng tới là những người khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam, chiến tranh, tai nạn, hoặc bẩm sinh.
Ngày càng nhiều bệnh nhân từ Bắc tới Nam đến với trung tâm. "Những ngày đầu mở xưởng, kinh tế gia đình tôi không mấy khá giả, tôi lặn lội đi vận động các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các đại sứ quán ủng hộ chi phí làm dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật", ông nhớ lại.
Gần 50 năm kinh nghiệm, bác sĩ Lê Thành Đô luôn mong muốn giúp được nhiều người khuyết tật |
Sau hơn 10 năm, có khoảng hơn 600 trường hợp được ông chế tạo giúp chân tay giả. Trung tâm đã giúp cho 15 trẻ em làm phẫu thuật chỉnh hình, sản xuất được 835 dụng cụ chỉnh hình (chân tay giả, áo nẹp chỉnh hình…) cấp miễn phí cho 614 người khuyết tật vận động ở mọi lứa tuổi.
"Khó nhất là khâu kỹ thuật, áp dụng sao cho khéo léo, tinh xảo. Thiết kế xong phải làm sao cho người khuyết tật thấy tự tin như là đang có chân tay thật, người bình thường nhìn vào không phát hiện ra", ông tâm sự.
Điều đó buộc bác sĩ Đô phải không ngừng tìm tòi, học hỏi, cập nhật những kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào xưởng sản xuất của mình.
Ông giải thích: “Mỗi người khuyết tật có một điểm cụt khác nhau, những người phải tháo khớp háng thì việc chế tạo sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí sản xuất cao gấp 3 đến 5 lần so với những người bị cụt đùi và dưới đầu gối”. Ông phải tìm mọi cách để tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, nhằm giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn.
Mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, xưởng sản xuất chân tay giả của bác sĩ Đô lại tập trung rất đông những người khuyết tật. Mỗi bệnh nhân đều là đặc biệt, bởi họ ở các vùng miền khác nhau, với những thương tật khác nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện đời nhưng đều khát khao được "nối lại" chân tay, được làm việc, sinh hoạt như những người bình thường.
Anh Trần Hải Đăng (26 tuổi, Thường Tín) chia sẻ, đây là lần thứ 3 anh đến đây để thay chân. Mỗi lần anh đến thay, bác Đô đều ân cần hỏi thăm sức khỏe, dặn dò cẩn thận cách giữ gìn chiếc chân giả. Từ khi có chiếc chân giả, anh Đăng đã hoàn thành được việc học tập tại trường Đại học Lâm nghiệp và không còn mặc cảm với cuộc sống.
Những bộ thiết bị do ông chế tạo đã 'tái sinh' hàng trăm người |
Lật giở những tấm ảnh kỷ niệm mà những bệnh nhân từng qua chỗ ông nhờ giúp, bác sĩ Đô kể những câu chuyện khiến ông không thể nào quên.
Có một cô bé ở Sóc Sơn bị mất cả 2 chân từ khi học lớp 2, vì hoàn cảnh nên việc đi học của cháu cũng dở dang, bạn bè ít. Lần đầu được bố mẹ đưa đến gặp ông, cô bé khá trầm tính.
"Ngay sau lần đầu được lắp bộ chân mới, cháu đã vội vàng chạy nhảy như con chim lâu ngày được sổ lồng, gương mặt cháu lúc đó ánh lên tràn đầy hy vọng.
Từ đó, trung bình cứ khoảng 2 năm cháu bé lại đến chỗ tôi thay chân một lần, đến nay cháu đã lên lớp 9, học rất giỏi và chăm ngoan. Thấy cô bé lớn lên không còn mặc cảm với cuộc sống tôi cũng thấy vui", bác sĩ kể.
Bác sĩ Đô đang chế tạo một chiếc chân giả |
Những ngày đầu năm, bác sĩ Đô càng bận rộn hơn, bệnh nhân đến đông không đủ chỗ ngồi nên gia đình thuê thợ về sửa chữa, chuyển đổi thêm một tầng của căn nhà thành một phòng bệnh nữa.
Với những đóng góp cho xã hội, bác sĩ Lê Thành Đô đã nhận được kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội” của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và rất nhiều bằng khen từ các tổ chức, bộ, ban ngành.
Xưởng chế tạo chân tay giả của bác sĩ Đô |
Hàng trăm bệnh nhân được bác sĩ Đô giúp đỡ |
Trần Thường
'Tôi muốn chữa bệnh nghèo cho nông dân'
Làm chủ nhà máy phân bón hữu cơ 4.0 do mình tự sáng chế, ông Trần Ngọc Nam mong muốn được chữa "bệnh nghèo" cho bà con nông dân bằng con men bồi bổ đất tôi luyện trong suốt 30 năm.