“Khi ca mổ gần kết thúc, chúng tôi mới nhận được xét nghiệm bệnh nhân có “H”. Khoảnh khắc đó, cả kíp mổ đều chững lại vài giây, vì cả 18 y bác sỹ tham gia cấp cứu, phẫu thuật đều có tiếp xúc, cơ thể còn đang dính máu, dịch tiết của bệnh nhân". BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội, nhớ lại.

Nam bác sĩ kể chuyện khó tin trong phòng đỡ đẻ

“Vừa vào phòng nằm một lúc, cô ấy bỗng gào lên khóc lóc, nước mắt giàn giụa thều thào: “Em chết mất, bác sĩ cho em về, em không đẻ nữa đâu”, bác sĩ N. kể.

Trong phòng đẻ tại các bệnh viện (BV), không ít những tình huống nguy kịch mà từ sản phụ cho đến đội ngũ y, bác sĩ phải gồng mình chống chọi. Dưới đây là một trong những câu chuyện như thế.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, BS Lưu Quốc Khải về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội công tác đến nay đã được hơn 25 năm. 

BS Khải trải lòng, làm người đỡ đầu cho hàng nghìn sinh linh bé nhỏ, ngoài những lúc được chứng kiến niềm hạnh phúc dạt dào của những người thân khi con mình chào đời, thì người bác sĩ cũng thường xuyên phải đối mặt với những tình huống nguy cấp.

{keywords}

BS Lưu Quốc Khải đang chăm sóc cho một sản phụ. Ảnh CAND

Nhớ về những ca mổ đẻ đặc biệt, ông Khải không quên kỷ niệm về ca mổ cho một sản phụ có “H” ở Quảng Ninh.

“Phẫu thuật cho bệnh nhân có “H” thì rất nhiều lần nhưng mổ không có sự phòng bị như ca phẫu thuật cho bệnh nhân H. (SN 1979) ở Quảng Ninh là ca mổ cấp cứu nguy hiểm thứ hai tôi cùng đồng nghiệp thực hiện. Trong ca cấp cứu ấy, bệnh nhân ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chỉ cần trong tích tắc nhỏ nếu không cẩn thận, bệnh nhân có thể không giữ nổi tính mạng”, BS Khải tâm sự.

Ông cho biết: “Đó là một buổi tối đầu tháng 7/2015, khi tôi vừa đưa con đến lớp học thêm thì nhận được điện thoại từ bệnh viện thông báo có bệnh nhân ngừng tim, xuất huyết âm đạo mạnh, rất nguy kịch vừa nhập viện. Chỉ sau vài phút, tôi vội tức tốc tới bệnh viện.

Đến nơi, thấy tình trạng bệnh nhân vô cùng nguy kịch, các y bác sỹ không ai kịp trang bị phòng hộ, vội thực hiện hồi sức ép tim ngoài lồng ngực. Thấy tim bệnh nhân đập trở lại, kíp trực quyết định thực hiện ca mổ ngay trong phòng cấp cứu, vì nếu đưa vào phòng phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim lần hai, có thể tử vong”.

Ông kể tiếp: “Khi ca mổ gần kết thúc, chúng tôi mới nhận được xét nghiệm bệnh nhân nhiễm “H”. Khoảnh khắc đó, cả kíp mổ đều chững lại vài giây, vì cả 18 y bác sỹ tham gia cấp cứu, phẫu thuật đều có tiếp xúc, cơ thể còn đang dính máu, dịch tiết của bệnh nhân. Nhưng sau đó, chẳng ai bảo ai, tất cả vẫn lặng lẽ, khẩn trương làm nốt các phần việc của ca phẫu thuật”.

Sau khi có thông tin về việc bệnh nhân nhiễm H, BS Khải cho hay, lãnh đạo bệnh viện đã làm hồ sơ và cho uống thuốc kháng virus H dự phòng. Rất may sau đó, tất cả các bác sĩ đều được kết luận âm tính với việc phơi nhiễm H.

Làm việc trong một môi trường nhạy cảm, ông Khải cho rằng tất cả các bác sĩ đều nhận thức được những mối nguy hiểm rình rập cũng như hậu quả không may xảy ra sau mỗi ca cấp cứu. Tuy nhiên, khi đứng trước sự sống và cái chết mong manh của một người bệnh, hầu như tất cả các bác sỹ đều phải nỗ lực gấp 10 lần để cứu sống bệnh nhân.

“Với chúng tôi, niềm hạnh phúc cuối cùng là cứu được tính mạng của người bệnh, trong thời khắc sinh tử ấy, sẽ chẳng y, bác sỹ nào có thể có thời gian ngồi cân đo đong đếm những thiệt hơn hay nhưng nguy hiểm sẽ đến đối với mình”, ông Khải nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 4/7, chị H. quê ở Quảng Ninh cùng con trai 12 tuổi đang trên đường từ Quảng Ninh về quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội thì bất ngờ bị đau bụng dữ dội. 

Tới Bến xe Mỹ Đình, chị bị xuất huyết âm đạo, ngất xỉu. Chị H. được đưa đến BV Phụ sản Hà Nội cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, mạch yếu, máu từ âm đạo chảy xối xả. Chị H. đã được các y bác sỹ hồi sức ép tim ngoài lồng ngực, truyền 5 lít máu và phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung ngay trong phòng cấp cứu. Khi ca mổ sắp kết thúc, mới có xét nghiệm chị có HIV.

H. Thúy - M.Giang