Không dễ để đạt được quan hệ như của Chủ tịch Microsoft Brad Smith và các nhà chức trách. Năm 2020, khi một ủy ban Quốc hội Mỹ chuẩn bị thẩm vấn công khai 4 CEO công nghệ lớn, ông Smith có cuộc gặp riêng với nhà lập pháp. Khi Australia đề xuất dự luật buộc Facebook, Google trả tiền cho báo chí, ông Smith tán thành và đưa Bing làm giải pháp thay thế. Khi Mỹ cân nhắc quy định tương tự, ông lại đến Washington để làm chứng trước Quốc hội và thể hiện sự ủng hộ của mình.

{keywords}
 

Ông Smith có gần 30 năm kinh nghiệm tại Microsoft và 7 năm làm Chủ tịch hãng phần mềm. Trong một môi trường pháp lý ngày càng bất lợi đối với các hãng công nghệ, vị trí của Microsoft thực sự đáng ghen tỵ. Từng là biểu tượng của độc quyền, Microsoft nay lại được các nhà chức trách xem như một công ty thân thiện, phần lớn nhờ vào nỗ lực của Chủ tịch.

Chiến lược của ông là hợp tác với nhà quản lý thay vì đối đầu. Ông chỉ trích cách vận hành App Store của Apple. Ông ủng hộ các biện pháp làm suy yếu sự thống trị của Facebook và Google với quảng cáo kỹ thuật số. Ông cũng đứng về phía nhà chức trách trong công cuộc siết chặt thực hành kinh doanh của Amazon.

Những hành động của ông được Giám đốc pháp lý Google Kent Walker nhận xét là “chủ nghĩa cơ hội doanh nghiệp trần trụi”. Song, ông Smith cho rằng những lập trường của Microsoft không nhằm hạ thấp đối thủ. Thay vào đó, Microsoft tìm cách tự điều chỉnh cho phù hợp với các quy định, nguyên tắc sắp tới, ngay cả khi nó tạo ra nhiều rào cản hơn. Ông nhắc lại trường hợp của các nhà băng khi đối diện với quy định mới trong thập niên 30 sau một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính. “Kháng cự vô ích”, ông nói.

Thâm niên và kinh nghiệm

Không nhiều lãnh đạo công nghệ có được sự kết hợp giữa thâm niên và kinh nghiệm vật lộn với các trung tâm quyền lực chính trị như ông Smith. Là một trong những nhà lãnh đạo phục vụ lâu năm nhất tại Microsoft, ông gia nhập công ty năm 1994 và là cố vấn pháp lý trong các vụ kiện chống độc quyền trên khắp thế giới vào những năm 1990.

Giám đốc pháp lý khi ấy chọn cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn với các nhà quản lý. Năm 2001, ông trình một slide duy nhất trước ban giám đốc Microsoft: “Đã đến lúc hòa bình”. Năm tiếp theo, ông trở thành Giám đốc pháp lý.

Sau khi đạt thỏa thuận quan trọng với Bộ Tư pháp Mỹ năm 2001, đặt ra một số hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của công ty, ông Smith tìm cách giải quyết hàng chục tranh chấp với chính phủ và doanh nghiệp khác trên thế giới. Sự thân thiện của họ đã trở thành một vũ khí hiệu quả trong “kho đạn” của Microsoft.

Năm 2007, Microsoft để thua Google khi không mua được hãng công nghệ quảng cáo DoubleClick. Theo Thời báo Phố Wall, Steve Ballmer, CEO năm đó của Microsoft, đã yêu cầu ông Smith bảo đảm Google phải chịu giám sát tương tự những gì họ từng trải qua. Ông Smith đã vận động các quan chức chặn thương vụ do lo ngại Google thống trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số. Nỗ lực thất bại song khơi dậy xung đột gay gắt với Google.

Ông thành lập một tổ chức mới, Văn phòng Quan hệ chiến lược, với thành viên là luật sư và chuyên gia vận động hành lang để thúc đẩy các vụ việc chống lại Google tại Mỹ và châu Âu. Tổ chức này đứng sau và hỗ trợ tài chính, chuyên môn cho các công ty thách thức Google, chẳng hạn website so sánh giá Foundem, nguyên đơn trong vụ kiện chống độc quyền năm 2009. Nhà chức trách châu Âu đã phạt Google gần 3 tỷ USD vào năm 2017.

Bậc thầy quan hệ

Vai trò của ông Smith tiếp tục thay đổi sau năm 2014 khi Satya Nadella lên nắm quyền và nhanh chóng chuyển dịch văn hóa của Microsoft sang hướng hợp tác hơn, cả bên trong lẫn bên ngoài. Một trong những động thái đầu tiên của ông Nadella là đưa Microsoft Office lên iPad của đối thủ Apple. 

Theo lời các cựu nhân viên, ông Smith trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành nỗ lực của tân CEO. Năm 2015, ông được thăng chức làm Chủ tịch Microsoft, giúp ông có thêm cơ hội tiếp xúc các quan chức chính phủ và điều trần trước Quốc hội. Năm tiếp theo, Microsoft và Google đồng ý thỏa thuận chấm dứt khiếu nại lẫn nhau trong 5 năm. Khoảng thời gian này, nhóm Văn phòng quan hệ chiến lược đóng cửa. 

Từ khi nhậm chức, ông Smith thường được nhân viên gọi là “Thị trưởng Smith”. Khi nhà chức trách tăng cường quản lý Big Tech, Microsoft áp dụng chiến lược càng tránh xa đối thủ càng tốt và thể hiện là một người chơi có trách nhiệm nhất, theo Adam Kovacevich, cựu chuyên gia vận động hành lang của Google.

Hơn mọi tên tuổi lớn khác cùng ngành, Microsoft sẵn sàng cử lãnh đạo cấp cao và chuyên gia để đối thoại về các vấn đề chính sách công nghệ, chẳng hạn phản ứng trước các cuộc tấn công mạng hay chuyển dữ liệu người dùng xuyên biên giới.

Một phần khiến Microsoft có lợi hơn đối thủ là họ dựa vào khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn khách hàng cá nhân. Các mảng kinh doanh hướng đến khách hàng cá nhân mà Apple, Google, Amazon và Facebook đang kiểm soát mới thu hút nhiều tranh cãi những năm vừa qua. Gần đây, Microsoft đầu tư hơn vào phân khúc này, bao gồm làm mới chợ ứng dụng App Store và đặc biệt là video game. Công ty muốn thâu tóm xưởng game Activision để cung cấp thêm nội dung gấp cho dịch vụ thuê bao video game.

Trước các nhà lập pháp, ông Smith vừa công khai vừa âm thầm ủng hộ quy định mới với các nền tảng công nghệ lớn. Trong đó, có một dự luật nhằm vào các chợ ứng dụng, bao gồm cho phép tải ứng dụng từ bên thứ ba. Điều này sẽ có lợi khi Microsoft phát hành các videogame mà không phải qua những hạn chế của Apple.

Dù rút khỏi các hiệp hội công nghệ như Technet hay Hiệp hội Internet, Microsoft vẫn hợp tác với đối thủ. Năm 2021, Microsoft tham gia cùng Amazon và Google để thiết lập tiêu chuẩn mới, giám sát cách các công ty đám mây bảo vệ dữ liệu. Ông cho rằng, khi thị trường phát triển, nó sẽ nhận thức được tầm quan trọng của sát cánh bên nhau, ngay cả khi có những bất đồng về một vài vấn đề nhất định.

Du Lam

CEO Nadella đã "cứu rỗi" Microsoft như thế nào?

CEO Nadella đã "cứu rỗi" Microsoft như thế nào?

Sau 7 năm, CEO Nadella đã đưa Microsoft từ chỗ hụt hơi cuộc đua trong làng công nghệ, đến việc trở thành thành viên câu lạc bộ vốn hoá nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Apple.