Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (World Bank) có từ năm 2008. 

Tháng 11/2016, Bộ GTVT triển khai dự án Kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ. Tuy nhiên, cùng trong giai đoạn này, ngày 15/7/2015, tỉnh Nam Định ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch tại huyện Nghĩa Hưng cho công ty Mai Thanh.

Sẽ không có gì xảy ra nếu không có việc hai dự án chồng lấn một phần diện tích, buộc phải đưa ra phương án di dời gần 400m đường ống cấp nước sạch của Công ty Mai Thanh để GPMB thực hiện dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ.

Công trình cầu vượt qua kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án WB6 đang bị chậm tiến độ

Cho rằng việc di dời đường ống sau đó hoàn trả bằng phương án đặt ống đi chìm dưới đáy kênh không đảm bảo chất lượng; khó khăn cho việc khắc phục nếu xảy ra sự cố; dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ gần với nhà máy nước sạch ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước đầu vào do nguy cơ nhiễm mặn gia tăng…, 3 năm qua, công ty Mai Thanh có nhiều văn bản kiến nghị, kêu cứu gửi Bộ GTVT và chính quyền các cấp tỉnh Nam Định.

Giám đốc Công ty Mai Thanh lập luận: dự án nước sạch có ý nghĩa thiết thực phục vụ dân sinh do nhiều năm qua, hàng vạn hộ dân Nghĩa Hưng phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng, nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Cho đến nay, công ty Mai Thanh cũng chưa có lợi nhuận, vẫn đang “cõng” số nợ hàng trăm tỷ đồng tiền vay để đầu tư dự án.

Điều bà Thanh bức xúc, đó là quá trình lên phương án đền bù, GPMB phục vụ dự án kênh nối, chính quyền huyện Nghĩa Hưng “bỏ quên” dự án nước sạch của bà. Khi phía công ty có kiến nghị, đến tháng 6/2021, huyện Nghĩa Hưng mới có báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB).

Hơn 1 tháng sau, Bộ GTVT có công văn đồng ý và thống nhất với UBND tỉnh Nam Định đưa tuyến nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án GPMB để địa phương thực hiện.

Ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Nam Định có văn bản giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư hạng mục hoàn trả tuyến ống cấp nước sạch cho Công ty Mai Thanh. Lúc này, hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã khởi công được gần 3 năm và chỉ còn 8 tháng nữa là kết thúc thời hạn cấp tín dụng của WB.

Hoàn trả 400m đường ống trị giá 9 tỷ đồng

Sự việc kéo dài 3 năm vẫn chưa thống nhất phương án hoàn trả đoạn ống dẫn nước có chiều dài gần 400m. Nam Định đã tổ chức nhiều buổi làm việc với công ty Mai Thanh; dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ chậm tiến độ theo thời hạn cam kết với bên cho vay vốn (Ngân hàng World Bank) vừa phải tiếp tục xin gia hạn 1 năm; trong khi chủ đầu tư nhà máy nước kiên trì đi kêu cứu.

Trong diễn biến sự việc, chính quyền các cấp của tỉnh Nam Định đã nhiều lần đối thoại với Công ty Mai Thanh về các nội dung: phương án bồi thường do di dời đường ống cấp nước để lấy mặt bằng; phương án hoàn trả (đi nổi hay đi chìm; vật liệu đường ống…) nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thống nhất.

Hàng vạn hộ dân của huyện Nghĩa Hưng phải sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng trước khi dự án nước sạch của công ty Mai Thanh được xây dựng

Ngày 5/4/2022, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang trực tiếp chủ trì buổi làm việc với công ty Mai Thanh. Trên cơ sở các đề xuất của công ty Mai Thanh, ngày 8/4, Bộ GTVT đã gửi văn bản số 3490 đề nghị UBND tỉnh xem xét lại 4 vấn đề về kỹ thuật thiết kế và kiến nghị bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Nam Định để giải quyết các vấn đề có liên quan. 

Công ty Mai Thanh đánh giá, trong 4 vấn đề kỹ thuật thiết kế do Bộ GTVT nêu tại văn bản 3490, 3 vấn đề kỹ thuật đầu tiên có thể khắc phục được, còn vấn đề về biện pháp đảm bảo giải quyết sự cố trong vòng 3 ngày là mối lo lắng nhất của Công ty Mai Thanh. 

Sau đó, Công ty Mai Thanh tiếp tục gửi văn bản kêu cứu Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định vào ngày 25/4/2022 nêu lên 10 vấn đề pháp lý và kỹ thuật có dấu hiệu sai phạm. 

Đây chính là nội dung của buổi đối thoại vào ngày 29/4, trước khi huyện Nghĩa Hưng tiến hành cưỡng chế di dời đường ống vào ngày 11/5 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Thưởng (Trưởng phòng QLDA 2 – Ban QLDA đường thuỷ, Bộ GTVT) cho biết, quá trình thiết kế đã xem xét rất kỹ rồi mới đề xuất phương án đi chìm đường ống có chiều dài khoảng 400m này. Công trình hoàn trả cho công ty Mai Thanh có giá trị khoảng 9 tỷ đồng. Về kiến nghị đặt đường ống nổi đi dọc thân cầu sẽ không đảm bảo do thiết kế cầu không tính phương án này.

Ngày 7/5/2022, Công ty Mai Thanh lại tiếp tục có đơn kêu cứu gửi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang.

Ngày 5/5, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản số 292 gửi Bộ GTVT do  PCT tỉnh Nam Định Hà Lan Anh ký cho biết đã làm việc nhiều lần với Công ty Mai Thanh để thoả thuận, thống nhất và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến nội dung hoàn trả công trình đường ống dẫn nước sạch. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp tuyên truyền, vận động, thuyết phục..., đơn vị vẫn không chấp thuận giải pháp hoàn trả đường ống đi ngầm dưới đáy kênh.

Công ty Mai Thanh kiến nghị Bộ GTVT bổ sung ĐTM của dự án WB6 có phân tích, dự báo các tác động trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng thiệt hại đối với dự án nước sạch;

Xem xét phê duyệt phương án thiết kế hoàn trả đường ống dẫn nước theo kỹ thuật đi cạnh thân cầu. Nếu đi một bên ảnh hưởng lệch thì có thể chia ống sang 2 bên thành cầu. Nếu đường ống lớn chưa phù hợp thì chia nhỏ, phân bổ đều hai bên để đảm bảo tiêu chí cấp nước an toàn, liên tục.

Nếu lựa chọn phương án hoàn trả đường ống dẫn được đi ngầm đáy kênh, đề nghị Bộ GTVT có giải pháp giải quyết sự cố, đảm bảo khắc phục trong 72 giờ và bồi thường thiệt hại của sự cố đó, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho công ty Mai Thanh trong việc khắc phục sự cố.

Đề xuất xem xét thêm phương án di dời nhà máy sản xuất nước sạch từ phía Bắc xuống phía Nam cầu vượt qua kênh nối Đáy - Ninh Cơ với công nghệ xử lý nước mặn, lợ.

Kiên Trung - Vũ Điệp