Chính vì vậy, công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thực tế những năm qua cho thấy chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu. Chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành có mặt còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ; chính sách tiền lương, nhà ở và việc xem xét thi đua, khen thưởng chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài…Đây là những nguyên nhân chưa thu phục được người tài tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chính vì vậy nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đại hội XIII của Đảng là phải lựa chọn được những người có đủ đức và tài để lãnh đạo đất nước và phải xây dựng cho được cơ chế, chính sách thu hút được nhân tài là các chính trị gia xuất chúng, nhà quản lý giỏi làm lực lượng nòng cốt để lãnh đạo và quản trị quốc gia.

Cần tham gia lựa chọn tập trung nhân tài cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, xây dựng, vận hành một nền giáo dục đẳng cấp quốc gia và quốc tế, muốn có được quốc gia hùng mạnh là quốc gia có nền giáo dục đẳng cấp, ở đó tạo ra một lực lượng nhân tài toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bác Hồ khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Tư tưởng giáo dục đào tạo của Bác đã trở thành đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Từ Ðại hội lần thứ VI (1986) đến Ðại hội lần thứ XI (2011) của Ðảng, cũng như  trong các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước, giáo dục và đào tạo và luôn luôn được khẳng định là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực của sự phát triển đất nước”.

Do vậy, trong lĩnh vực này, cần xác lập xây dựng định hướng cho việc ban hành cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài cho giáo dục là một hướng ưu tiên chiến lược cấp bách cần triển khai. Nhằm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ tài năng đủ sức gánh vác sứ mệnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, đó là kỳ vọng của Bác Hồ, cũng là khát vọng cao đẹp của nhân dân, đất nước ta.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ. Theo ĐBQH Lê Thanh Vân: Phải hiểu là tập trung những người tài giỏi nhất cho những dự án, mục tiêu tối quan trọng được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên, có lựa chọn của quốc gia. Từ thực hiện những dự án tối quan trọng này mà đi đến những phát minh sáng chế vượt trội, xứng tầm nhân loại. Những phát minh sáng chế mở đường này tự nó sẽ đưa quốc gia vào lớp các cường quốc và tự nó sẽ xứng đáng với những giải thưởng khoa học cao nhất của nhân loại, trong đó có giải Nobel.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tiềm lực công nghệ là thế mạnh của mỗi quốc gia, thì định hướng chiến lược ưu tiên số hai là xây dựng cho được cơ chế, chính sách mở đường cho thu hút và trọng dụng nhân tài về khoa học - công nghệ đang là yêu cầu cấp bách. Lựa chọn nhân sự cấp cao là những người tiên phong trong Ban chấp hành là yêu cầu khách quan của đất nước hiện nay.

Thu hút và trọng dụng nhân tài là lòng cốt là những doanh nhân giỏi, họ là những người có kiến thức nền tảng tốt, có ý tưởng và giải pháp hay mới có thể tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là những người có tầm nhìn tốt, có khả năng dẫn dắt, tạo động lực tới đội ngũ nhân sự khác. ĐBQH Lê Thanh Vân  cho rằng: Có một thực tế ở nước ta, do chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, “coi thường tiền bạc”, nên còn nhiều người không chú trọng vào việc làm giàu, mà chỉ chú trọng học hành, mong thăng quan tiến chức. Vì thế cần phải thay đổi nhận thức về làm giàu, ngay từ môi trường giáo dục phổ thông.

Điều quan trọng, phải trang bị nhận thức cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ làm giàu cho bản thân và làm giàu cho đất nước. Chỉ khi nào thực sự giàu có, thì đất nước mới thực sự hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ mong mỏi.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, khóa XII về công tác cán bộ nêu rõ: Củng cố, nâng cao ý thức trách nhiệm và tính Đảng đối với cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước, nhất là người đứng đầu; xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ quản trị doanh nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cho nên, trong Chiến lược này, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài cho việc làm giàu mà trước hết là những doanh nhân tài giỏỉ. Nhân tài thường sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có những người lãnh đạo giỏi để họ có thể học tập.

Để tuyển dụng nhân tài, trước hết doanh nghiệp cần có những nhà quản lý tài năng nhất. Để xây dựng được điều này, các chế độ phúc lợi, môi trường làm việc chính là yếu tố quan trọng.

Nhân tài dành cho văn hoá – nghệ thuật. Những người hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật - một lĩnh vực tinh tế và đặc biệt quan trọng - trong đời sống tinh thần của đất nước ta. Những người có tài năng trong quản lý và những cá nhân có khả năng truyền bá văn hoá, sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật. Phải làm sao sáng tạo ra những tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tương xứng với tầm vóc của dân tộc và đất nước. Với văn học nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ là những người có năng khiếu đặc biệt, lại có khả năng thu nhận tri thức, tiếp cận thực tiễn cuộc sống, trau dồi bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, là người sáng tạo ra tác phẩm. Sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học.

Để tập hợp thu hút được tài năng văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để anh chị em làm tốt thiên chức sáng tạo của mình, thì cần quan tâm công tác cán bộ, công tác chuyên môn. Ðặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ các cấp hội; chăm lo việc nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho anh chị em văn nghệ sĩ. Ðoàn kết, cổ vũ, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ bám sát cuộc sống, đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm hay, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực của đất nước ta, nhân dân ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Сó nhân tài làm trụ cột cho việc xây dựng, củng cố các thiết chế văn hoá, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật sẽ là nòng cốt cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, đạo đức xã hội và sắc thái nghệ thuật quốc gia. Bởi vậy, đây là định hướng quan trọng, cần thiết phải có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài dành cho lĩnh vực này.

Về thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài, theo ĐBQH Lê Thanh Vân  cho biết: Không phải nhân tài nào cũng nhất thiết cần thu hút để làm việc trong nước. Điều quan trọng đầu tiên là phải xác lập môi trường chính trị - pháp lý cần thiết, sau đó là môi trường làm việc tương thích với khả năng của nhân tài. Nếu không có môi trường phù hợp thì nhân tài không những không thể phát huy được khả năng, mà còn dần bị thui chột.

Có những lĩnh vực cần khuyến khích người tiềm ẩn tài năng đi ra nước ngoài để có cơ hội toả sáng. Đến thời điểm phù hợp họ biết cách phụng sự Tổ quốc. Vấn đề quan trọng ở đây, chính là “cơ chế thu phục” cái tâm của họ hướng về Tổ quốc, để khi có bất kỳ điều kiện nào, thì họ phát huy hết tài năng cống hiến cho đất nước.

Cũng theo ông Lê Thanh Vân, chính sách thu hút nhân tài bao gồm 3 yếu tố cấu thành: Một là, khung khổ pháp lý tạo lập cơ hội phù hợp với năng lực của nhân tài ở từng lĩnh vực cụ thể, để họ nhìn thấy giữa khả năng và hiện thực không quá xa với tư chất của họ. Hai là, các yếu tố hiện có về môi trường làm việc đủ sức hấp dẫn (ví dụ như: môi trường sáng tạo chính sách thuộc về các cơ quan hoạch định đường lối, chủ trương; môi trường phát minh, sáng chế là nơi có đầy đủ trang thiết bị nghiên cứu, khảo nghiệm...). Ba là, “Minh chủ” - nhân tố tiên quyết, bởi chỉ có nhân tài mới nhận diện được nhân tài và nhân tài chỉ đi theo những người tài hơn họ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng có bài viết: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải lựa chọn cho được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài.

Nói về chọn cán bộ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu: Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII những người có một trong những khuyết điểm sau: (1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; (3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị; (4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút; (5) Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp. (6) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. (7) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Thực tiễn cho thấy thu hút nhân tài là các chính trị gia xuất chúng, nhà quản lý giỏi luôn là lĩnh vực quan tâm ưu tiên hàng đầu về lựa chọn nhân tài cho đất nước. Nếu những người lãnh đạo và quản lý đất nước ở các cấp, nhất là cấp cao nhất, nhất là người đứng đầu mà không tài giỏi thì hậu quả có thể là đưa đất nước đi nhầm đường hoặc đất nước bị chậm phát triển, đời sống người dân gặp khó khăn. Bài học vẫn còn nguyên giá trị là chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất.

Chính vì vai trò ấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là những người có tài năng “tinh hoa” của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.

 

 

Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. “Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Công tác cán bộ đóng vai trò “then chốt” của then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Chính vì vậy phải lựa chọn cho được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài.

“Muốn như thế phải thật sự phát huy dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ chức Đảng và người đứng đầu chống tư tưởng cục bộ địa phương thân quen cánh hẩu, lợi ích nhóm, tránh cách làm giản đơn, tùy tiện vô nguyên tắc” -Tổng Bí thư lưu ý.

Nội dung: Nguyễn Minh - Thực hiện: Phạm Cường. Ảnh: TTXVN

Bài 1: Ai là người tài?

Bài 2: Người tài cần gì ở chúng ta?

Bài 3: Thực tiễn dùng người tài!

Bài 4: Tiêu chuẩn nào để lựa chọn cán bộ cấp chiến lược “người tài”

Theo dangcongsan.vn