Đến tận khi ngồi sau song sắt trong phòng tạm giam của cảnh sát Berlin (Đức) tôi vẫn ngỡ ngàng không hiểu nguyên do. Tôi là người lương thiện mà. Tôi muốn hét thật to câu này. Nhưng có hét thì ai nghe?
Phòng tạm giam chỉ chừng hơn chục mét vuông mà như rộng thênh thang. Tôi ngồi một góc, hai góc kia hai người đàn ông khác, cũng người nước ngoài, ngồi gục, mặt rầu rĩ.
Tôi sang Đức được 6 năm. Sang theo diện đoàn tụ. Sang tuần trước tuần sau đã đi làm. Hai vợ chồng nai lưng làm quần quật. Vợ làm cho chủ người Nhật. Chồng làm cho chủ người Trung. Lễ Tết cũng chẳng dám nghỉ. Hai vợ chồng thắt lưng buộc bụng dành dụm từng đồng, từng cắc.
Sau hơn 5 năm, lưng vốn cũng hòm hòm, vừa đủ mua một quán ăn nhỏ. Chồng nấu, vợ bồi, thoát cảnh làm thuê. Nhờ trời, quán vừa mở đã đắt hàng, phải thuê thêm 3-4 công nhân mới kịp phục vụ khách.
Cũng đúng lúc đó vợ tôi sau nhiều năm tưởng vô vọng chuyện sinh nở bỗng nhiên có thai. Tôi phấn khởi đổi đời cái xe VW cà tàng thành cái xe Audi A4 gần như mới coóng.
Thấy làm ăn được, vợ chồng bàn tính vay mượn mở thêm quán nữa. Mở thêm quán nữa thì vợ chồng mới khỏi phải làm trực tiếp. Chỉ quản lý mới ra dáng ông chủ, bà chủ. Vậy mà...
Vừa sáng sớm, đúng giờ ngủ ngon nhất của dân làm quán, bỗng chuông cửa reo liên hồi. Vừa kịp mở cửa, cả chục cảnh sát xộc thẳng vào từng phòng, súng ống lăm lăm trong tay.
Sau khi đọc lệnh khám nhà họ lục lọi, săm soi từng quyển sách trên giá, đệm ghế salon, đến thùng gạo góc nhà. Lục chán, họ còng tay tôi đưa ra quán. Lại lục lọi tìm kiếm từ cửa hàng đến tầng hầm nhà kho. Rồi họ đưa tôi ra xe, tay tôi nằm trong khoá số 8 mà vẫn hai cảnh sát hai bên. Đến nhà tù, họ đưa tôi qua gần chục các loại cổng sắt cài khoá nghiêm ngặt mới đến phòng tạm giam này.
Tôi biết mình bị bắt oan. Nhưng tôi cũng hiểu, không phải sự oan sai nào cũng được làm sáng tỏ. Và ngay cả muốn được sáng tỏ cũng cần có thời gian. Vậy là tôi sẽ nằm ở đây, ở nhà tù này chưa biết đến bao giờ.
Trong khi vợ tôi đang bụng mang dạ chửa, thằng con lớn mới học lớp 10, lại cửa hàng đang đông khách phải đóng cửa. Chưa kể bao dự định tốt đẹp trong tương lai bỗng chốc tan thành mây khói. Nghĩ đến đó lòng tôi ngổn ngang bao xót xa. Tôi phải quay mặt vào trong tường giấu đi những giọt nước mắt ứ trào ra không thể kìm nén.
Đang lúc ngậm ngùi, có tiếng mở cửa phòng giam. Một cảnh sát mặc sắc phục xuất hiện. Anh ta gọi tên tôi. Tôi líu ríu bước theo anh ta, bụng bảo dạ, chắc họ đưa tôi đi lấy cung.
Viên cảnh sát dẫn tôi vào một phòng rộng, sáng choang như một studio ảnh. Họ bắt tôi đứng vào giữa những đèn đóm soi tận mặt nhoay nhoáy chụp mọi góc cạnh. Rồi họ bôi mực vào cả 10 đầu ngón tay điểm chỉ như đánh dấu tội phạm nguy hiểm khiến tôi càng hoang mang, ngao ngán.
“Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” quả không sai. Chỉ vài tiếng trong tù mà như dài vô tận. Tôi dư thời gian nghĩ đủ chuyện trên đời mà không thể nghĩ cách ra khỏi nơi này. Đúng lúc tuyệt vọng nhất lại có tiếng mở khoá. Tôi nghĩ họ gọi người khác. Nhưng rõ ràng viên cảnh sát đang xướng tên tôi.
Tôi uể oải đứng dậy bước theo. Lại qua gần chục lần cửa sắt nghiêm ngặt, anh ta đưa tôi đến cổng thường trực. Một người mặc thường phục chờ tôi ở đó. Ông ta đưa tôi một phong bì và nói: "Ngài đưa cho luật sư của ngài lá thư này. Còn bây giờ ngài được tự do".
Tôi ngỡ ngàng, không tin vào tai mình. Nhưng rõ ràng cổng nhà giam đang mở rộng. Tôi rón rén bước ra đường, vẫy taxi. Khi ngồi yên vị trên taxi rồi tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Ngoái cổ nhìn lại cái nhà giam với những bức tường cao rào thép gai và những tháp canh sừng sững tôi rùng mình.
Tôi đưa luật sư đọc thư mới biết vì sao họ bắt mình. Vì dự định mở thêm quán nữa tôi đã vay tiền của bạn bè. Cứ vay được của ai tôi lại đem gửi ngân hàng. Mà không gửi vào tài khoản của tôi, cũng không gửi vào tài khoản của vợ lại gửi vào tài khoản của thằng con trai 15 tuổi, học lớp 10.
Tôi nghĩ đơn giản giống như trước kia ở Việt Nam. Tiền gửi nhà bank tên ai, gửi bao nhiêu chẳng quan trọng. Lại gửi không lãi suất nữa ngân hàng nào chẳng thích. Vì thế chỉ trong 10 ngày tài khoản của thằng con chỉ có vài trăm tiền kindergeld (tiền trợ cấp cho trẻ con) bỗng dưng lên tới con số hơn 100 ngàn DM. Nhà bank khi thấy có hiện tượng bất thường, họ có nghĩa vụ phải báo với cảnh sát và cảnh sát đã vào cuộc.
Luật sư cũng giải thích thêm. Vì họ điều tra qua khám xét, cũng như theo dấu vân tay qua tàng thư đã không phát hiện dấu vết của tội phạm nên họ thả tôi và không truy tố. Thế nhưng 100 ngàn DM gửi trong tài khoản thằng con trai tôi phải giải trình rõ ràng nguồn gốc. Vì ở nước Đức để tránh trốn thuế và rửa tiền, tất cả số tiền trong nhà bank đều phải có xuất xứ.
Ngày hôm sau tôi chỉ việc đến chỗ anh em, bạn bè lấy xác nhận cho vay đưa luật sư là mọi việc được xem như ổn thỏa. Số tiền đó quả nhiên tôi đã dùng để mở cái quán thứ hai to, rộng hơn.
Hú vía, may tôi chỉ bị nhốt vài tiếng trong phòng giam. Và may là tôi cũng hoàn toàn lương thiện. Chẳng qua chỉ là thiếu hiểu biết.
Cũng từ đó tôi bị ám ảnh, đi đâu tôi cũng tránh con đường dẫn đến cái nhà tù tôi từng bị giam và bỏ luôn cả cái nhà bank tôi đã gửi tiền dù biết ở nước Đức nhà bank nào cũng giống nhà bank nào. Tiền gửi là phải có nguồn gốc.
Đúng là bài học nhớ đời không phải chỉ cho riêng tôi mà cho cả những người mới định cư hoặc sắp định cư ở nước Đức.
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)