Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".

Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53.

… Ngày… tháng… năm

Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!

Tôi đang viết bức thư này vào năm 2024, khi đâu đó trên thế giới vẫn còn phân biệt nhau về màu da, chủng tộc. 

Mới đây, tôi được nghe về việc một phụ nữ lớn tuổi bị đánh đập trên con phố tại New York (Mỹ) chỉ vì bà là người gốc Á. Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 bùng nổ, có gần 3.800 vụ bạo lực nhắm vào những người Mỹ gốc Á. Họ bị cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan. 

Bạn biết không, ở một số nơi trên thế giới, người gốc Phi vẫn còn bị cô lập. Họ không được uống nước chung bình, không được học cùng trường với người da trắng. Họ chỉ có thể làm những công việc nặng nhọc, mức lương thấp và ở những khu dân cư nghèo, điều kiện sinh hoạt, y tế không đảm bảo.

Tại châu Âu, sự phân biệt chủng tộc còn xuất hiện ở trong bóng đá. Tại giải vô địch Tây Ban Nha “La Liga”, cầu thủ Vinicius đã bị các CĐV Valencia nhiều lần miệt thị vì anh ấy là người da màu. Ngạc nhiên thay, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha cũng không có sự bảo vệ cầu thủ người da màu ấy, thậm chí còn đưa ra những lời biện minh rằng Vinicius không nên đối phó với những kẻ phân biệt chủng tộc. Thật vô lý phải không? 

Chúng ta luôn muốn việc bất bình đẳng chủng tộc được giải quyết, nhưng vẫn còn những phim ảnh, sách báo mang hàm ý lấy người da trắng làm trọng tâm và các vai diễn bạo lực, phản diện lại là người da màu. Chúng ta luôn mang trong mình tư tưởng “mũi cao, da trắng” mới là đẹp, luôn lấy đó là tiêu chuẩn để đánh giá vẻ ngoài của một con người. 

Nhưng tôi tin rằng những vấn đề này sẽ dần bị loại bỏ khi chính sách Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia được Liên Hợp Quốc đưa vào trong 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, các nước đều bình đẳng như nhau. Những màu da, chủng tộc đều không còn bị phân biệt.

Tôi biết tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người da màu khó có thể biến mất ngay lập tức bởi nó đã in sâu vào lối suy nghĩ, cách hành động của nhiều nhóm người. Dù vậy, tôi tin nếu chúng ta dành thời gian tìm hiểu về sự đa dạng sắc tộc; tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, những suy nghĩ ấy sẽ dần dần được xóa bỏ.

Mới đây, trong buổi hòa nhạc jazz mang tên “Ask Your Mama” ở Chicago Symphony Center, có đến 80% khách mời là người gốc Phi và các nghệ sĩ khách mời, nhạc trưởng đều là phụ nữ da màu. Trước đây, buổi hòa nhạc này chỉ dành cho người da trắng.

Hay như trong cuộc thi Miss Grand International 2020, người đẹp Mỹ gốc Ghana đã vượt qua 52 thí sinh khác, trở thành thí sinh da màu đầu tiên đăng quang cuộc thi danh giá này. Cô đã vượt qua mọi định kiến, rào cản để chứng minh “người da màu cũng có thể làm được”. Có thể thấy, những định kiến về người da màu đang dần được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. 

Tôi mong rằng thế giới nơi bạn sống, tất cả mọi người đều yêu và tự hào về văn hoá, sắc tộc của mình nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt của những chủng tộc khác. Tôi mong bạn sẽ biết cách lên tiếng, thẳng thắn chống lại hành vi phân biệt chủng tộc, đồng thời thoải mái thể hiện cho mọi người trên khắp thế giới thấy đất nước, dòng máu mình đang mang đáng tự hào đến nhường nào. Đó là một thế giới đáng mơ ước - nơi tất cả mọi người đều chung sống bình đẳng và hạnh phúc.

Trân trọng,

Ký tên