- Phân bổ thời gian bài thi tổ hợp như thế nào cho công bằng là điều mà hầu hết thí sinh băn khoăn trước dự định thi năm 2017.

{keywords}
Nhiều thí sinh cho rằng việc phân bổ thời gian bài thi tổ hợp chưa thuyết phục.
(Ảnh: Thanh Hùng).

Trước phương án thay đổi kỳ thi THPT quốc gia 2017, điều mà các thí sinh thắc mắc nhất là thời gian bài thi tổ hợp chưa thuyết phục khi trong cùng 90 phút, có em sẽ chỉ thi một môn, em lại đến 2 hoặc 3 môn. Đặc biệt, với hình thức thi trên dự thảo, nhiều học sinh tính toán có vẻ như các thí sinh xét tuyển theo khối A1 là những người được lợi.

Em Vũ Văn Đông (Hà Nội) dẫn chứng: 

“Ví dụ 1 bạn thi khối A1 thì sẽ thi Toán, Lý, Tiếng Anh, trong đó Toán và Tiếng Anh vốn đã là 2 bài thi riêng bắt buộc chung, như vậy chỉ phải làm môn Lý là trong bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên với khoảng thời gian là 90 phút. Trong khi các bạn thi khối A hoặc B phải làm 40/60 câu cũng chỉ với từng đó thời gian. Một bên làm 20 câu và một bên làm 40 câu đều trong khoảng thời gian 90 phút thì có thoả đáng không?”.

Đồng quan điểm, em Nguyễn Thị Lan (Thái Nguyên) chia sẻ: 

“Như vậy em thấy thiệt cho những bạn thi cả 2 khối A và B vì trong 90 phút phải xử lý hết 60 câu và huy động kiến thức cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, những bạn thi theo khối A1, nếu thi 20 câu trong 90 phút thì có thể sẽ phải cạnh tranh hơn do nhiều thí sinh sẽ đổ xô thi khối A1”

Một giáo viên ở Hà Nội cũng chia sẻ: “Sẽ không công bằng giữa các học sinh về mặt đầu tư thời gian làm phần nào trong bài thi tổ hợp. Khi có em chỉ đầu tư sâu một môn trong đề, có em cần đầu tư hai môn, thậm chí cần đầu tư cả ba môn trong bài thi tổng hợp với thời gian chung là 90 phút.

Vị giáo viên lấy ví dụ: “Một thí sinh cần thi bài Khoa học tự nhiên với hai mục đích xét tốt nghiệp và ĐH, sẽ phải căng sức làm cả ba môn. Còn thí sinh thi lại thì trong 90 phút chỉ “đầu tư” làm một hoặc hai môn nào đó”.

Em Nguyễn Thị Quỳnh (Nghệ An) chia sẻ : “Em nghĩ việc thi nhiều môn thì có thể được lợi hơn khi có thể xét nhiều khối và được chọn nhiều trường. Có trường/ngành chỉ lấy điểm 1-2 môn để xét tuyển, nhưng cũng có những trường lấy điểm chung bài thi tổ hợp để xét.

Và đương nhiên nếu các bạn muốn xét theo nhiều khối thì việc phải làm thêm phần thi các môn là hợp lý thôi”.

Tuy nhiên, theo Quỳnh, thay đổi hình thức thi phải đi kèm với việc các trường phải công bố phương án xét tuyển sớm để thí sinh có thời gian để chuẩn bị, định hướng việc ôn luyện từng môn.

"Điều em quan tâm là bao giờ có phương án của các trường. Giả sử một ngành học năm ngoái xét theo khối thi truyền thống, chúng em ôn và làm bài thi trừ những môn ngoài tổ hợp truyền thống, đến khi xét tuyển, trường yêu cầu lấy điểm tổng bài thi tổ hợp (tức là bao gồm tất cả các môn) thì làm sao?”, Quỳnh lo lắng.

Về điều này, Bộ GD-ĐT cho hay, các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Nhiều thí sinh chia sẻ lo ngại việc đánh giá kiến thức 3 năm THPT chỉ thông qua 20 câu mỗi môn trong bài thi tổ hợp liệu có thể chính xác so với 50 câu như trước đây.

Em Lê Quỳnh Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Đề bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) mỗi môn có 20 câu mà còn tính cả để xét tốt nghiệp thì không hiểu còn bao nhiêu câu hay mà phân loại được học sinh xét tuyển vào đại học. Kiến thức 3 năm học mà chỉ đánh giá qua 20 câu trắc nghiệm em thấy không ổn”.

"Bộ Giáo dục nên nghiên cứu cẩn thận để công bố lộ trình thi cử"

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết khi mới nghe về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT  và xét tuyển ĐH năm 2017, ông đã“giật mình” bởi lo rằng những thay đổi về nội dung thi sẽ ảnh hưởng đến học sinh. 

Về điều này, Bộ GD-ĐT cho biết, thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu. 

Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu. Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1800 trường đại học của Hoa Kỳ.

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, phương án kỳ thi THPT quốc gia chính thức sẽ được công bố vào tháng 9. 

Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải sớm công bố phương thức tuyển sinh của mình và cần chỉ rõ: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; tổ hợp các môn thi/bài thi để xét tuyển vào ngành/khối ngành, hệ số đối với môn thi/bài thi (nếu có); các điều kiện xét tuyển khác... 

Thanh Hùng