Ngày 9/12, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 13 đến nay và phương hướng, nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ.

Cần phải có tổ chức, bộ máy để hoàn thành được nhiệm vụ

Mở đầu buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu rất quan trọng của Đảng, chịu trách nhiệm tham mưu, hoạch địch đường lối phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Trong 4 nguy cơ đối với đất nước ta đã được Đảng nhận diện cách đây 30 năm thì có 2 nguy cơ gắn liền với trách nhiệm của Ban Kinh tế Trung ương, đó là nguy cơ tụt hậu và nguy cơ chệch hướng. 

tongbithu ToLam.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: T.Chung

Tổng Bí thư nhấn mạnh, các nguy cơ tụt hậu và chệch hướng luôn thường trực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đường lối và chiến lược phát triển của Đảng phải như thế nào để đẩy lùi các nguy cơ này là do vai trò tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương. 

Tổng Bí thư khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ, vai trò rất quan trọng như vậy thì Ban Kinh tế Trung ương không thể không tồn tại. 

Vì vậy, Ban Kinh tế Trung ương cần phải đổi mới để đáp ứng các trọng trách to lớn mà Đảng giao phó về tham mưu, hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. 

Ban Kinh tế Trung ương cần phải có tổ chức, bộ máy để hoàn thành được nhiệm vụ và vai trò đó, để tham mưu, đề xuất cho Đảng, tham mưu để ban hành được chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, có đánh giá từ thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện lý luận. 

Báo cáo với Tổng Bí thư về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến nay, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Ban đã chủ trì xây dựng và hoàn thành 23 đề án về kinh tế - xã hội trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. 

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 19 nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Đây là các văn kiện hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện các quan điểm, định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã đề ra. 

Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng 15 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực tích cực của Ban Kinh tế Trung ương và đề nghị trong thời gian tới Ban cần tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, chủ động phát hiện, đề xuất các chủ trương đường lối giúp Đảng giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược, nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu chiến lược của Ban.

Phải hình thành đội ngũ nghiên cứu cao cấp, chuyên sâu

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, để đạt được mục tiêu phát triển của đất nước trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung làm sao vượt qua bẫy thu nhập trung bình, có giải pháp đột phá cho các mục tiêu tăng trưởng cao, nâng cao năng lực công nghệ, phát triển kinh tế tư nhân, các vấn đề về xã hội…

“Những vấn đề này rất cần Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu sâu, toàn diện để tham mưu, đề xuất với Trung ương”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải suy nghĩ về những nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta như chống nguy cơ tụt hậu; chống chệch hướng chủ nghĩa xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người mà không được làm mất bình đẳng, đảm bảo cân đối hài hòa và tính toàn diện của sự phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau. 

TBT BanKTTU.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu và lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: T.Chung

Tổng Bí thư cũng lưu ý, Ban Kinh tế Trung ương cần cách mạng về tư duy, cách mạng về tổ chức bộ máy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới; cách mạng phương thức làm việc để tạo đột phá về hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. 

Điều này gắn với mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà Trung ương đang đề ra. 

Ban Kinh tế Trung ương phải trở thành một cơ quan nghiên cứu tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng về kinh tế - xã hội, có uy tín quốc tế…

Tổng Bí thư cũng yêu cầu, Ban Kinh tế Trung ương không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, tăng cường năng lực hoạch định chiến lược, năng lực nghiên cứu, phân tích, dự báo nhất là trước các xu hướng lớn của thế giới như cách mạng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật,… Từ đó đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế - xã hội của Đảng…

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng lưu ý Ban Kinh tế Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất đường lối chủ trương về kinh tế - xã hội trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Theo Tổng Bí thư, để đạt được các yêu cầu nhiệm vụ trên, điều cốt lõi là phải hình thành đội ngũ nghiên cứu cao cấp, chuyên sâu, phải kết nối và sử dụng chất xám của những nhà tri thức thực sự, các chuyên gia, nhà khoa học có năng lực và có tâm huyết.

Cùng với việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng cao, năng lực nghiên cứu độc lập, có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ, cần thu hút, tập hợp được những nhân tài, chuyên gia giỏi, tập trung nâng cao chất lượng các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, nhất là phát triển lực lượng sản xuất mới hiện đại, gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất mới. 

Tổng Bí thư đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chủ động, tích cực tham gia đóng góp cả về lý luận, thực tiễn, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, đúc kết kinh nghiệm tốt, đóng góp thiết thực vào việc chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng, trong đó có việc hoàn thiện các văn kiện của Tiểu ban Kinh tế - xã hội.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện những chỉ đạo, giao nhiệm vụ sâu sát, những gợi mở, định hướng lớn, rất quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm để đưa vào ngay trong chương trình, kế hoạch công tác năm 2025 và những năm tiếp theo. 

Ban Kinh tế Trung ương xác định quyết tâm chính trị, tập trung cao độ để thực hiện các nhiệm vụ chính mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo, nhất là nhiệm vụ cải tổ bộ máy theo định hướng quản trị hiện đại, giảm đầu mối, giảm chồng chéo, tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy hành động, phương thức làm việc sáng tạo…