Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, phải thật sự tinh gọn, tránh gán ghép cơ học, hình thành nên các siêu bộ với bộ máy cồng kềnh; cần chuẩn bị kỹ công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án tinh gọn bộ máy đồng bộ, hiệu quả.
Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án theo kế hoạch 141 Chính phủ vừa ban hành, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa 15 và khóa 16 (nhiệm kỳ 2026-2031) dự kiến có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
So với bộ máy hiện tại, Chính phủ đã tinh gọn giảm 5 bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Đi cùng đó là tổ chức bên trong của các bộ, ngành cũng được tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối các tổ chức bên trong, giảm mạnh tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục.
Chính phủ nhận định, sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay.
Ba việc cần làm tiếp theo
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc hình thành các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực không phải đơn giản chỉ dừng lại ở việc chia tách, hợp nhất các bộ ngành.
Muốn hình thành được một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì ngoài vấn đề sắp xếp về mặt tổ chức các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cần phải làm ba việc tiếp theo.
Một là, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, phải thật sự tinh gọn, tránh gán ghép cơ học, hình thành nên các siêu bộ với bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, đặc biệt là cấp tổng cục, cấp phòng. Vừa qua chúng ta đã sắp xếp được về cơ bản nhưng cần tiếp tục nghiên cứu loại bỏ triệt để hai cấp trung gian này.
Hai là, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ cũng như các đơn vị thuộc bộ, tránh chồng chéo, trùng dẫm; kiên quyết rà soát, xóa bỏ tình trạng một việc được giao cho nhiều bộ thực hiện hoặc nhiều đơn vị trong một bộ cùng thực hiện.
Ba là, cần đổi mới phương thức làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của hệ thống hành chính. Nếu chỉ cải cách bộ máy gọn, ít đầu mối nhưng không đổi mới phương thức làm việc thì cũng khó có thể có một bộ máy tinh, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
Thời gian qua, ba việc này còn chưa được làm tốt, dẫn đến tình trạng phối hợp xử lý công việc trong nội bộ các bộ, cơ quan cũng như giữa các bộ, cơ quan với nhau còn chồng chéo, trì trệ, mất nhiều thời gian, gây chậm trễ, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Chuẩn bị kỹ công tác nhân sự
Đánh giá tác động phương án tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Chính phủ chỉ rõ ưu, khuyết điểm của việc sắp xếp.
Với phương án Chính phủ đưa ra sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với một số lĩnh vực, đồng thời điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ theo hướng sắp xếp, hợp nhất nhiều bộ ngành, kết thúc hoạt động một số cơ quan trực thuộc Chính phủ, còn thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cơ cấu lại nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.
Về hạn chế, Ban Chỉ đạo của Chính phủ nhận định, do số lượng cơ quan thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo.
Bên cạnh đó, sau sắp xếp, quy mô, phạm vi của một số bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu bộ và đội ngũ lãnh đạo bộ. Vì vậy, cần chuẩn bị kỹ công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.
Ngoài ra, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ liên quan đến điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan ngang bộ đang được quy định tại các luật chuyên ngành.
Qua rà soát 247 luật, có 113 luật đang quy định về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thuộc đối tượng sắp xếp.
Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, Ban Chỉ đạo cho rằng cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội với đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp.
Việc này nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm quyền lợi của cán bộ trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Bộ Nội vụ được giao đề xuất các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (hoàn thành trước ngày 10/12/2024, báo cáo Ban Chỉ đạo).
Dự kiến giữa tháng 2/2025, Hội nghị Trung ương sẽ diễn ra để xem xét các đề án liên quan đến tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Dự kiến cuối tháng 2/2025, Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét thông qua nội dung này. Tại kỳ họp này, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội hai nội dung:
Một là trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập, giải thể một số bộ (trước ngày 28/2/2025).
Hai là xem xét việc sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, các văn bản luật liên quan sau khi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cho chủ trương về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy (trước ngày 28/2/2025).
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ hợp nhất là một bước hiện thực hóa cuộc cách mạng chuyển đổi số cũng như cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chính phủ đưa ra kế hoạch kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.
Dự kiến sau hợp nhất 10 bộ thành 5 bộ mới sẽ có tên gọi như: Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển; Bộ Phát triển Hạ tầng; Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường...