Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Nội dung trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hoá. Dựa trên đường lối của Đảng, đặc biệt là tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hoá được Đảng xác định là kim chỉ nam cho hành động.
Xây dựng hệ sinh thái văn hoá
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đặt ra nhiệm vụ sau Hội nghị phải xác định hệ sinh thái văn hoá mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được môi trường văn hoá tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và phải ưu tiên trong vấn đề văn hoá doanh nghiệp và dân sinh. “Khi chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải coi doanh nghiệp là “trái tim” của nền kinh tế. Do đó phải xây dựng môi trường này đảm bảo hàm lượng văn hoá trong kinh tế và kinh tế trong văn hoá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
GS.TS Từ Thị Loan - Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng nếu doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế thì văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của doanh nghiệp.
“Cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay mới đang ở những bước đi ban đầu. Việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại nhiều đơn vị, tổ chức còn mang nặng tính hình thức, bề nổi, chạy theo phong trào, thiên về các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao và truyền thông chứ chưa tập trung vào việc hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và chuẩn hành vi”, GS.TS Từ Thị Loan cho biết.
GS.TS Từ Thị Loan đưa ra giải pháp phát triển văn hóa doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước. “Không ít doanh nghiệp đã phải lên tiếng bức xúc: Không thể đòi hỏi doanh nghiệp trong sạch nếu như bộ máy nhà nước tham nhũng, cũng như không thể đòi hỏi doanh nhân phải có văn hóa trong khi viên chức nhà nước ứng xử tư lợi và thiếu văn hóa. Do vậy, cần phải chống tiêu cực ngay từ trong bộ máy công quyền một cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả”, GS.TS Từ Thị Loan nói.
Chính vì thế, theo GS.TS Từ Thị Loan, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, các mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tấm gương văn hóa doanh nhân thành công trên thế giới là rất cần thiết. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đúc rút các vấn đề lý luận và thực tiễn ở các nước tiên tiến, tìm ra những bài học và gợi mở cho Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh hơn với môi trường kinh doanh toàn cầu và đa văn hóa. Đồng thời cần tổng kết, đánh giá thực tiễn Việt Nam, nhân rộng những mô hình hiệu quả, thúc đẩy cả về nhận thức và hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Cần nâng cao chất lượng các môn học về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, hình thành một thế hệ trẻ có tinh thần khởi nghiệp, ước muốn kinh doanh có văn hóa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trang bị cho họ hệ thống kiến thức, kỹ năng của văn hóa ngành nghề, đạo đức nghề nghiệp,…
“Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình khó khăn, lâu dài, kiên trì, bền bỉ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Dù khó khăn đến đâu chúng ta nhất thiết phải tiến hành, bởi chỉ khi xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, các doanh nghiệp nước ta mới có thể tiến tới phát triển bền vững, nền kinh tế Việt Nam có cơ hội chuyển mình cất cánh để đạt được mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”, GS.TS Từ Thị Loan khẳng định.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam
Đặc biệt, sau Hội nghị văn hoá toàn quốc, người đứng đầu ngành văn hoá xác định cần phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị văn hoá con người Việt Nam mà nghị quyết đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước. Phải đặt con người trong tổng thể vừa là nhân vật trung tâm, chủ thể xây dựng văn hoá. Ngược lại, văn hoá hình thành nên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam. Đó là con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hoá dân tộc.
Theo PGS.TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trong bối cảnh đương đại là xu thế tất yếu và nó đang diễn ra mạnh mẽ do sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những yếu tố công nghệ này dường như đã xóa nhòa một phần ranh giới quốc gia, ranh giới văn hóa. Mỗi công dân từ các quốc gia tham gia vào hệ thống kết nối này sẽ trở thành một phần của hệ thống. Từ đó tiếp cận, hội nhập, ảnh hưởng, thẩm thấu hệ giá trị chung của hệ thống đó, hình thành nên hệ giá trị công dân toàn cầu. Vấn đề bản sắc quốc gia, dân tộc, vùng miền có thể mờ nhạt đi.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những thách thức về an ninh, văn hóa chưa từng có đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và với mỗi cá nhân. Đó là sự lệ thuộc vào công nghệ, bị nô dịch và dẫn dắt bởi công nghệ. Từ đó tạo lập các cộng đồng ảo, giá trị ảo nhưng hậu quả đối với an ninh và văn hóa của mỗi đất nước, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân lại là hiện hữu.
Chính vì lẽ đó, PGS.TS. Phạm Văn Dương cho rằng, cần xây dựng những giá trị chung mang bản sắc quốc gia và xây dựng những giá trị riêng mang bản sắc tộc người, vùng miền.
Theo PGS.TS. Phạm Văn Dương, con người vừa là chủ thể sáng tạo, thụ hưởng văn hóa nhưng cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, văn hóa con người Việt Nam là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định nhất trong tất cả các nguồn lực để phát triển đất nước Việt Nam phồn thịnh. Văn hóa con người Việt Nam từ trước đến nay đã được nhận diện và khái quát thành hệ giá trị con người Việt Nam với những đặc tính ưu việt là: yêu nước, cần cù sáng tạo trong lao động, đoàn kết trong đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, khéo léo, dễ thích ứng trong lao động và hội nhập...
Tuy nhiên, những giá trị trên mang tính phổ quát nhiều hơn. Vì vậy chúng ta có thể nhận thấy ở mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Song hệ giá trị chung, phổ quát mang bản sắc quốc gia vẫn rất cần thiết nhận diện, làm rõ những đặc điểm Việt Nam. Từ đó cụ thể hóa nó trong cuộc sống bằng những yêu cầu về chuẩn mực hành vi của mỗi công dân với trách nhiệm xây dựng đất nước, xây dựng hình ảnh văn hóa con người Việt Nam.
Để xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trước hết cần nhận thức, nhận diện đầy đủ về nó. Từ trước đến nay chúng ta thường nhấn mạnh đề cao những giá trị chung, phổ quát mà chưa nhận diện, nhận thức đúng, đầy đủ về những giá trị riêng. Giá trị riêng của con người Việt Nam mang bản sắc tộc người, địa phương và vùng miền. Những giá trị riêng này đã giúp cho mỗi cộng đồng tộc người thể hiện, khẳng định bản tính của riêng họ. Bản tính đó được tạo lập từ nhiều thế hệ, được tôi luyện bởi quá trình sinh tồn, tương tác với tự nhiên và với con người, giữa các tộc người với nhau. Từ đó tạo lập những nét văn hóa riêng, khác biệt nhưng không dị biệt hay mâu thuẫn.
Ví dụ, giá trị văn hóa con người của dân tộc Mông là nghị lực kiên cường, thích ứng hòa thuận với môi trường khắc nghiệt của cao nguyên đá khô cằn. Người Mông có câu “sống trên đá, chết vùi trên đá” vì vậy họ không bỏ cuộc mưu sinh vất vả, bỏ miền đất mình sinh sống, gắn bó. Hay văn hóa con người miền Trung là nghị lực vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, gắn bó với quê hương, tạo lập những giá trị riêng về tình quê hương gắn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển... Trong nguồn lực văn hóa thì nguồn lực con người phải được nhận diện là quan trọng nhất, quyết định nhất. Nguồn lực văn hóa con người chính là hàm lượng văn hóa trong hành vi của mỗi con người. Biểu hiện là những phẩm chất, thái độ, tính cách, ý thức trách nhiệm...
Việc nhận diện những giá trị văn hóa con người Việt Nam, đồng thời song hành với nhận diện những thói xấu mang tập quán vùng miền, địa phương và tộc người... mà từ trước đến nay là vật cản cho sự phát triển. Vấn đề này hết sức nhạy cảm và còn nhiều bàn luận. Vì vậy, cần được tiếp cận nghiên cứu ở cả hai phương diện khoa học và văn hóa. Để rồi xây dựng những chiến lược giáo dục, rèn luyện tôn vinh cái đẹp, cái tích cực, hạn chế, loại bỏ cái xấu, tiêu cực trong văn hóa con người Việt Nam đương đại.
“Mọi thời đại, quốc gia, dân tộc và nền văn hóa, sự phát triển hay diệt vong đều có nguồn gốc từ yếu tố con người. Con người là chủ thể sáng tạo, là trung tâm, yếu tố quyết định các giá trị do chính con người tạo lập và cũng chính con người là tác nhân huỷ hoại những giá trị đó. Vì vậy, xây dựng văn hóa con người Việt Nam là yếu tố then chốt, sống còn, lâu bền trong chiến lược xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”, PGS.TS. Phạm Văn Dương khẳng định.
Tình Lê