Lời tòa soạn: Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra ngày 24/11 có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
Với tư cách là hệ giá trị định hướng điều chỉnh nhận thức tư duy, hành vi của mỗi cá nhân cả cộng đồng và xã hội, văn hóa có sức mạnh to lớn - nuôi dưỡng tư tưởng đạo đức và nhân cách con người. Là bộ phận cấu thành đặc sắc của văn hóa, văn học nghệ thuật phải gắn bó mật thiết với đời sống, đấu tranh quyết liệt giữa cũ và mới, giữa cách mạng và phản cách mạng; giữa tích cực và tiêu cực.
VietNamNet giới thiệu loạt bài phỏng vấn những chính khách, nhà nghiên cứu văn hoá về kỳ vọng của họ để thông điệp từ Hội nghị này sẽ trở thành động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Cách đây đúng 580 năm, khi soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442), Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Điều này cho thấy coi trọng giáo dục, vai trò của trí thức là tư tưởng nhất quán và xuyên suốt trong văn hóa dân tộc. Đây cũng là lý do tạo nên sức mạnh Việt Nam từ việc coi trọng học vấn, đề cao những giá trị của tầng lớp tiên phong trong việc hình thành, giữ gìn, lan tỏa truyền thống văn hóa.
Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Trí thức giúp khai mở cho xã hội tri thức về thế giới thì văn nghệ sĩ khai mở về cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương cho con người. Nếu như đội ngũ trí thức – tiêu biểu như những nhà Nho – đóng góp công lao rất lớn vào việc tạo ra những tác phẩm để lại dấu ấn trong văn hóa bác học, lưu truyền trong dân gian thì các văn nghệ sĩ cũng góp sức mình để các tác phẩm ấy có được sức sống trong cộng đồng, khán giả. Gần như tất cả các sản phẩm nghệ thuật truyền thống đều hướng đến việc giáo hóa đạo đức, để từ đó dòng chảy văn hóa truyền thống, những giá trị đạo đức cộng đồng được lan tỏa, tạo thành sức mạnh văn hóa giúp dân tộc trường tồn.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ. Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943 đề ra 3 nguyên tắc xây dựng văn hoá (dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa), trong đó nguyên tắc khoa học hoá chính là sự đề cao vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong việc xây dựng văn hoá đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ trí thức, coi trọng vai trò của văn nghệ sĩ. Người nói: “Văn hoá soi đường quốc dân đi”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”.
Được truyền cảm hứng từ sự động viên đó, những bài hát, lời ca ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng như: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”; “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”; “Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời. Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai”,… đã là niềm cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên tình nguyện, vui vẻ ra trận; Những bài hát, lời ca về chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”; “Đất nước nghiêng mình. Đời đời nhớ ơn. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam”; “Bác Hồ người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”… đến nay vẫn là nguồn cổ vũ, động viên mọi người về tấm gương đạo đức, luôn đem lại biết bao xúc động trong lòng nhân dân cả nước. Đây chính là sức mạnh tinh thần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước về sau này để văn hóa trở thành cột mốc chủ quyền của đất nước.
Trong bối cảnh mới của đất nước, khi mà tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt của các phương tiện truyền thông mới (như các trang mạng xã hội) đã dẫn đến những lo ngại về văn hóa, đạo đức của mỗi cá nhân và toàn dân tộc thì đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ càng đóng vai trò quan trọng. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã thực sự tạo nguồn cảm hứng tinh thần cho dân tộc vượt qua các khó khăn.
Bên cạnh những tấm gương khoa học nỗ lực hết mình, các văn nghệ sĩ cũng thể hiện những tấm gương không chùn bước trước khó khăn, tiên phong tạo ra những tác phẩm văn hóa – nghệ thuật để động viên mọi người giữ vững tinh thần, vượt qua thử thách. Trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chính những bài hát như: Việt Nam ơi! Đánh bay Covid, bộ phim tài liệu Ranh giới, những bức tranh tuyên truyền, cổ động chống Covid-19, hay các sản phẩm nghệ thuật đa dạng khác đã khiến xã hội vượt qua khó khăn của dịch bệnh bằng một tinh thần vững vàng hơn, thoải mái hơn. Lúc này, văn nghệ sĩ đã giúp đất nước vững tâm hơn, có một tinh thần kiên cường hơn trong đối phó với khó khăn.
Dù vậy, trong một bối cảnh có nhiều phức tạp như hiện nay, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đang gặp một số vấn đề. Công việc của nghiên cứu khoa học, hoạt động nghệ thuật không chỉ là để giải thích, mô tả thế giới, mà còn phải hướng tới tác động tích cực để thay đổi, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy có hiện tượng không ít trí thức, văn nghệ sĩ chưa thực sự dấn thân, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, xa rời thực tiễn. Còn thiếu các tác phẩm, hình tượng nhân vật, công trình khoa học xứng tầm thời đại, làm vẻ vang đất nước. Công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn yếu, chưa có khả năng dẫn dắt thị hiếu công chúng. Những ví dụ vừa qua về MV của Sơn Tùng - There’s no one at all, triển lãm tranh về Điện Biên Phủ của họa sĩ Mai Duy Minh hay còn nhiều trường hợp khác cho thấy những bất cập trong vai trò tiên phong của nghệ thuật trong việc dẫn dắt sự phát triển văn hóa đất nước, đạo đức của cá nhân trong giai đoạn hiện nay cũng như những năm sắp tới.
Chắc chắn rằng, trong thời gian tới, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cần đóng vai trò tích cực hơn nữa để góp phần xây dựng quan điểm phát triển đất nước trong thời kỳ mới phù hợp với điều kiện và tình hình Việt Nam, cập nhật với tình hình thế giới, xây dựng hình ảnh tích cực về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam, đồng thời xây dựng một nền khoa học, nghệ thuật dấn thân, vị nhân sinh, mang hơi thở của thời đại.
Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cần trở thành những tấm gương sáng cho các tầng lớp trong xã hội noi theo để định hướng lối sống, nhân cách, giá trị, như kỳ vọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi tin rằng, với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.
Tình Lê (ghi)