Đóng cửa phiên giao dịch 12/5 (rạng sáng 13/5 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tụt giảm thêm 680 điểm xuống 33.588 điểm. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Các chỉ số tầm rộng S&P 500 và công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm tương ứng 2,1% và 2,7%.

Giá vàng trên thị trường quốc tế biến động mạnh trong bối cảnh giới đầu tư chờ đợi những tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tương lai chính sách tiền tệ của nước Mỹ.

Chứng khoán Mỹ lao dốc ngay sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát cao hơn so với kỳ vọng. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 tại Mỹ tăng 0,8% so với tháng 3 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là những con số cao nhất tại Mỹ kể từ 2008. Trước đó, các dự báo cho rằng CPI tháng 4 chỉ tăng 0,2% so với tháng 3 và tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Điều mà giới đầu tư lo ngại nhất là với mức lạm phát cao như vậy, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ phải sớm xem xét lại chính sách tiền tệ siêu nới lỏng hiện tại. Nếu Fed thay đổi chính sách, nâng lãi suất thì dòng tiền vào thị trường cổ phiếu sẽ tụt giảm.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ lao dốc từ đỉnh kỷ lục.

Thông tin về lạm phát át những thông tin tích cực về tình hình tiêm vaccine ngừa Covid-19 và khả năng mở rọng cửa trở lại nền kinh tế trên phạm vi toàn nước Mỹ. Nó cũng áp đảo dự báo tích cực của UN cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng lên 5%, dựa vào 2 trụ cột là Mỹ và Trung Quốc với mức tăng trưởng dự kiến là 6,2% và 8,2%.

Chứng khoán Mỹ cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông, giữa đồng minh của Mỹ là Israel và Palestine.

Lạm phát gia tăng sẽ làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận doanh nghiệp. Nếu áp lực giá tăng quá nóng trong một thời gian dài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

M. Hà