Tiếc đứt ruột vì không mua vàng
Cuối năm 2021, chị Trần Thị Minh (Ba Đình, Hà Nội) đã rút sổ tiết kiệm hơn 500 triệu đồng để tìm kênh đầu tư mới. Ở thời điểm đó, chị Minh nhận thấy, chứng khoán đang có tỷ lệ sinh lời khá cao. Theo giới thiệu của người bạn, chỉ cần vài trăm triệu có thể kiếm lời hàng chục triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chị lại đang cân nhắc mua vàng, do giá vàng ở thời điểm đó vẫn còn khá thấp. Chị Minh tính toán, vàng mỗi năm đều tăng, khá an toàn và không phải lo nghĩ nhiều.
Tuy nhiên, do tin tưởng bạn bè tư vấn, chị Minh đã chọn kênh đầu tư chứng khoán. Chị đầu tư hơn 500 triệu đồng vào một số mã cổ phiếu. Ngay sau khi mua, các cổ phiếu đều tăng mạnh, chị thấy rất vui. Nhưng trước Tết âm lịch, một sự kiện lớn đã làm cho chứng khoán giảm mạnh. Chị Minh định rút tiền ra lúc này nhưng bị mọi người cản lại. Chị tiếp tục giữ chứng khoán.
Như chị Minh, nhiều nhà đầu tư cũng đã chuyển hướng từ vàng sang thị trường cổ phiếu khi thị trường chứng khoán trong thời gian qua tăng mạnh với số lượng nhà đầu tư F0 cũng tăng cao.
Ra Tết, trong khi giá vàng tăng mạnh thì chứng khoán trải qua nhiều cú sốc khiến giá giảm mạnh. Tài khoản của chị Minh đang âm lên tới 100 triệu đồng. Nhìn tài khoản âm, chị Minh cảm thấy xót xa. “Biết thế mình mua vàng thì giờ có phải an tâm ngủ ngon không”, chị Minh tiếc nuối.
Ngày 31/12/2021, giá vàng tại SJC niêm yết ở mức 60,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,67 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Còn tại TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 60,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,65 triệu đồng/lượng (bán ra).
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 69,6 triệu đồng/lượng (mua vào)- 70,42 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 69,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,4 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nếu bỏ ra 500 triệu đồng mua vàng đầu năm 2022, chị Minh có thể mua được khoảng 8 lượng vàng SJC. So với giá thời điểm 24/4, chị Minh có thể lãi tới 63,4 triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2021, nhà đầu tư sau 1 năm lãi 4,5 triệu đồng/lượng.
So với chứng khoán, gửi tiết kiệm thì vàng là kênh đầu tư sinh lời nhiều nhất từ đầu năm 2022. Giá vàng ở Việt Nam đã từng đạt mức cao kỷ lục 74 triệu đồng một lượng và đã có sự sụt giảm ở thời điểm đó chủ yếu là do không có nguồn cung. Các nhà cung cấp vàng SJC ở Việt Nam với nguồn cung hạn chế đã đẩy giá vàng lên cao để hạn chế việc mua, đồng thời chênh lệch giá mua bán cũng rất cao, khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, mức đi lên khá là bền vững.
Giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư trong nước không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng như một số kênh đầu tư khác trong bối cảnh thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế và chênh lệch giá lớn.
Cân nhắc đầu tư vàng
Kết thúc phiên giao dịch này, giá vàng giao ngay lùi 0,8% xuống 1.936,14 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất hai tuần vào đầu phiên. Tính chung cả tuần qua, mặt hàng này giảm 1,9%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn mất 0,5%, xuống còn 1.938,7 USD/ounce.
Mặc dù giá vàng đã tăng vọt gần đây do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, các chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư không nên phân bổ quá 15% danh mục đầu tư của mình vào kim loại quý này. Chirag Mehta, Giám đốc cấp cao của Quỹ đầu tư Quantum AMC cho rằng, nhà đầu tư nên bám sát các nguyên tắc cơ bản và phân bổ 10-15% danh mục đầu tư của mình cho loại tài sản chiến lược này.
Jim Wycoff, chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco, nhận định: “Vàng- kim loại trú ẩn an toàn- đang cần một yếu tố cơ bản mới có thể gia tăng lo ngại của nhà đầu tư, và điều đó không xảy ra. Sự đi ngang buồn tẻ mà chúng ta đang thấy đã dẫn đến một số hoạt động bán ra dựa trên biểu đồ kỹ thuật”.
Các doanh nghiệp vàng cũng khuyến cáo nhà đầu tư khi đầu tư thị trường nào đó, đặc biệt là thị trường vàng thì phải có kiến thức để tránh rủi ro và tìm được lợi nhuận tối đa.
Bảo Anh
Tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 đến 31/03, nhiều mã cổ phiếu vẫn chưa đưa nhà đầu tư "về bờ".Ở một diễn biến khác, các nhà đầu tư vàng lại đang "rủng rỉnh" lợi nhuận.