Trước đây, do địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân ở bản Thẳm Phé không mang lại hiệu quả cao. Từ nhiều năm trước, các hộ gia đình ở đây đã chuyển hướng thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích để trồng thêm cây dưa hấu.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, chăm sóc tốt nên mô hình trồng dưa hấu của nhiều gia đình ở nơi đây phát triển, đem lại thu nhập ổn định.
Mô hình trồng dưa hấu của vợ chồng anh Lò Văn Sơn được xem là một trong những “hạt nhân” để người dân nơi đây học tập làm theo. Mỗi một vụ dưa hấu, gia đình anh thu về hàng chục triệu đồng.
Được biết trước đây gia đình anh Sơn chủ yếu sống dựa vào mấy sào ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi các con đang tuổi ăn tuổi học.
Hơn 2 năm trước, tận dụng diện tích đất ruộng 1 vụ, xen với trồng ngô, vợ chồng anh quyết định trồng hơn 1 sào dưa hấu.
“Sau 4 tháng gia đình tôi thu hoạch, bán được giá cao, bán đổ cho thương lái 12.000 đồng/kg, còn bán lẻ từ 15.000 đồng - 18.000 đồng/kg”, anh nói.
Anh Sơn cho biết thêm, trồng dưa hấu tuy phải mất công tưới tiêu và chăm bón, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa nhiều.
“Nếu như cấy lúa, chăm sóc tốt, vụ mùa thắng lợi cũng chỉ cho thu nhập 5 - 7 triệu đồng, còn trồng dưa hấu thì thu về gấp hơn 2 lần. Vợ chồng tôi đang có dự định sẽ trồng dưa hấu gối vụ tiếp để có quả bán vào dịp tết”, anh nói.
Nhân dân bản Thẳm Phé mạnh dạn trồng dưa hấu trên chân ruộng 1 vụ kém năng suất do đất khô cằn vì thiếu nước. |
Rời vườn dưa hấu của gia đình nhà anh Sơn, chúng tôi đến thăm vườn dưa hấu của chị Lò Thị Dung, vừa hay chị Dung đi bán dưa ngoài chợ huyện về.
Chị chia sẻ, năm đầu gia đình chị trồng thử dưa hấu để lấy quả ăn nhưng thấy quả ngọt, năng suất cao và nhiều hộ trong bản có ý định trồng dưa trên ruộng 1 vụ nên vợ chồng anh chị cũng trồng theo với diện tích hơn 2 sào.
“Vụ trước, chưa có kinh nghiệm nhiều nên gia đình tôi thu được hơn 10 triệu đồng. Vụ này lúc ra quả lại bị mưa đá hỏng mất một ít, gia đình tôi mới bán được hơn 3 triệu đồng, còn lại 2 thửa, quả đang phát triển”, chị kể.
Theo chị Dung, từ khi trồng dưa hấu, gia đình chị có thêm khoản thu nhập để đóng học cho con, mua sắm đồ dùng cần thiết phục vụ sinh hoạt.
Theo thống kê, bản Thẳm Phé có 90 hộ với 442 nhân khẩu, 100% là dân tộc Khơ Mú. Từ 3 năm nay, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập gia đình, Nhân dân bản Thẳm Phé mạnh dạn trồng dưa hấu trên chân ruộng 1 vụ kém năng suất do đất khô cằn vì thiếu nước.
Đồng chí Hoàng Văn Phó - Bí thư Chi bộ bản Thẳm Phé cho biết, Hiện bản có hơn 70 hộ tham gia trồng dưa hấu với diện tích trên 2,5ha.
“Ngay từ lúc bắt đầu trồng, chúng tôi xác định không chỉ trồng để tăng thu nhập, giúp bà con thoát nghèo mà còn hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm dưa sạch, an toàn của bản. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc dưa hấu, chúng tôi hướng dẫn các hộ thường xuyên thăm vườn, theo dõi sự phát triển của cây; khi phát hiện có sâu bệnh hại thì sử dụng tỏi, ớt pha nước để phun thay cho việc dùng thuốc hóa học”, ông Phó nói.
Vụ dưa hấu năm trước, bản Thăm Phé thu được hơn 200 triệu đồng từ trồng dưa hấu, nhờ đó nhiều hộ thoát được nghèo. Hiện nay bản Thẳm Phé còn 15 hộ nghèo (giảm 4 hộ so với cuối năm 2018), thu nhập bình quân đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm 2019.
Năm nay, Nhân dân trong bản thống nhất tăng thêm vụ trồng dưa hấu, hiện bà con đã và đang trồng vào các ruộng đã thu hoạch dưa.
“Chúng tôi hướng dẫn bà con sử dụng túi nilong để lót quả tránh bị ngập nước khi mưa xuống, ảnh hướng đến năng suất quả. Nếu thời tiết thuận lợi sẽ được thu quả vào đúng dịp Quốc khánh 2/9”, ông Phó cho hay.
Thúy Nga
Ảnh: Bích Hạnh